Kỷ niệm 30 năm hoàn thành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 (27/5/1994-27/5/2024):

Bài 1: Đường dây 500kV, kỳ tích của ngành điện thế kỷ 20

(PLO)- Công trình đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 giúp thống nhất hệ thống điện ba miền, trở thành bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lược quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày cuối tháng 5-2024, ngành điện kỷ niệm 30 năm ngày đóng điện vận hành công trình đường dây 500kV Bắc Nam mạch 1 - một kỳ tích của Việt Nam trong những năm 90 của thế kỷ 20. Dịp kỷ niệm này đúng vào giai đoạn cả hệ thống chính trị đồng hành cùng EVN/EVNNPT chạy đua nước rút, huy động tổng lực triển khai xây dựng dự án trọng điểm đường dây 500 kV mạch 3 (Quảng Trạch - Phố Nối) để phấn đấu về đích vào cuối tháng 6-2024 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên lịch sử, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, khí thế thi đua lao động sáng tạo và quyết tâm thần tốc “vượt nắng thắng mưa” trong quá trình xây dựng công trình đường dây 500 kV Bắc Nam mạch 1 năm nào đang tái hiện sinh động, tinh thần cách mạng tiến công thời kỳ đổi mới đang phát huy mạnh mẽ trên khắp công trường xây dựng đường dây 500kV mạch 3 ra phía Bắc.

Bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo trong thời kỳ đổi mới

Ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh đóng điện đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1. Đây là công trình giúp thống nhất hệ thống điện ba miền, trở thành bước ngoặt quan trọng thể hiện tầm nhìn thời đại của Đảng, Nhà nước về chiến lược phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh năng lược quốc gia cũng như thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Bài 1: Đường dây 500kV, kỳ tích của ngành điện thế kỷ 20.jpg
Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát công trường thi công đường dây 500 kV Bắc - Nam.

Công trình được coi là kỳ tích của ngành Điện Việt Nam những năm 90 của thế kỷ XX bởi nó đã xác lập những kỷ lục chưa từng có như quy mô xây dựng công trình rất lớn tới gần 1.500 km, công nghệ phức tạp, vừa thiết kế vừa thi công chỉ vỏn vẹn 2 năm. Công trình cũng là nơi khơi nguồn cho tư duy dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đối diện với cái mới với nhiều chông gai thử thách với những tấm gương tiêu biểu dù ở những cương vị khác nhau, hoàn cảnh khác nhau. Đó là vai trò của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người đưa ra chủ trương, quyết định, quyết đoán và là tư lệnh trực tiếp chỉ đạo để công trình thành công tốt đẹp. Cùng với đó là một số đồng chí như Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Thái Phụng Nê, Thứ trưởng Lê Liêm, GS.VS.TS Trần Đình Long, đồng chí Trương Bảo Ngọc, Lê Quang Huyến, Lê Nguyên Đính, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Châu, Hồ Anh Tô, Trần Viết Ngãi, Đậu Đức Khởi, Hồ Văn Thái, Lê Văn Tạo, Nguyễn Bá Hòa, Đinh Miên, Hồ Thị Bích Phượng, …

Tết Tân Mùi năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt gặp Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải, Thủ tướng đặt vấn đề miền Nam thiếu điện, miền Bắc thừa điện, Bộ Năng lượng cần tìm cách đưa điện từ Bắc vào Nam. Thủ tướng rất trăn trở: “Việc xây dựng các công trình điện rất tốn kém, khó khăn nhưng nhất định phải làm bằng được vì sự nghiệp đổi mới đất nước, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân”.

Nhận chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng đã nhanh chóng triển khai ngay các thủ tục để xây dựng Dự án Đường dây siêu cao áp 500 kV đưa điện từ miền Bắc vào miền Nam. Nhưng thách thức lớn nhất chính là do địa hình đất nước trải dài hình chữ S đòi hỏi đường dây siêu cao áp 500kV khi thi công sẽ phải lên tới 1.500 km, vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, trong lúc đó trên thế giới đường dây dài nhất cũng chỉ từ 700 - 800 km và phải xây dựng trong 7-8 năm.

Ông Vũ Ngọc Hải - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng từng chia sẻ: Thời điểm đó có rất nhiều ý kiến phản đối xây dựng công trình này. Thậm chí, một giáo sư Việt kiều từ Pháp còn viết thư gửi cho tất cả các ủy viên Bộ Chính trị để nêu 3 vấn đề: Thứ nhất, thời gian xây dựng trong 2 năm là quá ngắn, không khả thi. Thứ hai, về mặt kỹ thuật, đường dây với chiều dài gần 1.500 km sẽ không thể tải điện ổn định vào miền Nam. Thứ ba, chi phí xây dựng sẽ vượt xa dự toán ban đầu.

Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm

Với tầm nhìn của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hiểu rằng việc xây dựng Đường dây 500 kV sẽ kết nối các vùng miền trong cả nước, tạo điều kiện phát triển vùng miền núi, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Bài 1: Đường dây 500kV, kỳ tích của ngành điện thế kỷ 20.jpg
Thủ tướng Võ Văn Kiệt kiểm tra công trường xây dựng trạm biến áp 500 kV Hòa Bình tháng 3-1994.

“Trong tương lai không thể không có một chiến lược như xương sống của quốc gia để có thể điều hòa giữa các miền, và đặc biệt lúc bấy giờ tỷ trọng thủy điện lại là lớn nhất, cho nên cơ cấu của điện có sự không hợp lý. Nhưng bởi vì đất nước mình dài, cho nên có những vùng thừa nước và có vùng lại nắng hạn liên tiếp, mình phần lớn là thủy điện cho nên muốn có sự điều hòa để đảm bảo cho yêu cầu phát triển kinh tế, phát triển sản xuất và đời sống của dân thì không thể không xây dựng đường dây 500 kV, rồi thì điều hòa phân phối nhu cầu của cả nước một cách tương đối đồng đều. Không những thế, lúc miền Nam đánh Mỹ, miền Bắc còn chi viện sức người sức của cho miền Nam đánh Mỹ, giờ miền Bắc thừa điện, miền Trung, miền Nam thiếu điện mà lại bán điện miền Bắc thì không hợp lý”.

Với suy nghĩ đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt hạ quyết tâm xây dựng Đường dây 500 kV và sẵn sàng chịu mọi trách nhiệm: “Cứ làm, nếu thất bại tôi sẽ từ chức, không để cách chức… Ai đồng tình thì đứng vào hàng ngũ, ai không đồng tình thì đứng ra một bên”. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đặt ra yêu cầu phải hoàn thành bằng được trong khoảng thời gian chỉ bằng 1/4 thời gian mà các nước trên thế giới vẫn làm…

Với những quyết định lịch sử táo bạo, đột phá và chính xác, đặc biệt là dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, công trình đường dây 500 kV Bắc - Nam mạch 1 đã được xây dựng và trở thành một dấu son của ngành Điện lực Việt Nam.

Đối với ngành điện, đây là công trình đánh dấu sự chuyển hóa từ trạng thái lạc hậu sang trạng thái văn minh: Hiện đại hóa ngành điện, thống nhất ngành điện, điều hòa hệ thống truyền tải từ Bắc vào Nam; nối liền hệ thống điện trong cả nước, giải quyết được bài toán của cả nước cũng như ngành điện trăn trở suốt bao năm qua.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm