Riêng quý I-2020, tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải đạt 1,99%, thấp hơn 0,16% so với kế hoạch EVN giao và giảm 0,16% so với kết quả thực hiện năm 2019.
Ông Lưu Việt Tiến, Phó TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia ( EVNNPT) cho biết, đây là kết quả thực hiện tốt nhất trong hơn 11 năm kể từ ngày thành lập và hiện EVNNPT thuộc nhóm tổn thất trung bình của các nước có hệ thống truyền tải điện tiên tiến. Ông Tiến khẳng định nguyên nhân chính giảm tổn thất điện năng năm 2019 cũng như trong quý I-2020 là do phương thức vận hành giảm sản lượng điện truyền tải trên lưới 500kV Bắc – Trung – Nam. Cụ thể, sản lượng điện truyền tải Bắc – Trung trong năm 2019 là 7,19 tỉ kWh, giảm 4,75 tỉ kWh so với năm 2018.
Lãnh đạo của EVNNPT đang kiểm tra một dự án điện
Theo lãnh đạo EVNNPT, ngoài nguyên nhân khách quan do phương thức vận hành, để đạt được kết quả giảm tổn thất điện năng như vậy, Tổng công ty đã cùng các đơn vị tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp.
Cụ thể, Tổng công ty giao chỉ tiêu tổn thất điện năng đến các truyền tải điện khu vực, triển khai quản lý tổn thất điện năng đến từng đường dây, máy biến áp. Tổng công ty chủ động trang bị các thiết bị nhằm ổn định điện áp trên lưới như kháng điện, tụ điện; liên tục rà soát lưới điện để thực hiện nâng khả năng tải các đường dây, nâng công suất các máy biến áp đầy và quá tải trong vận hành.
Bên cạnh đó, giải pháp giảm sự cố lưới điện, khôi phục nhanh sự cố luôn được Tổng công ty chú trọng. Trong những năm qua, EVNNPT luôn đạt chỉ tiêu suất sự cố do EVN giao, mặc dù hàng năm quy mô lưới truyền tải đều tăng khoảng từ 4-5% về số km đường dây truyền tải và khoảng 10% về dung lượng máy biến áp nhưng số vụ sự cố đều trong xu hướng giảm từng năm.
Một giải pháp không kém phần quan trọng góp phần giảm tổn thất điện năng trên lưới truyền tải là Tổng công ty đã hoàn thành một khối lượng đầu tư lớn nhất trong 3 năm trở lại đây.
Theo ông Tạ Việt Hùng, Trưởng Ban Kỹ thuật (EVNNPT), trong số các dự án đóng điện năm 2019 có các dự án hết sức quan trọng như: Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - rẽ Sông Mây - Tân Uyên, Sông Mây - Tân Uyên; trạm biến áp (TBA) 500 kV Tân Uyên... Đặc biệt, trong năm 2019 và đầu năm 2020, EVNNPT đã hoàn thành đưa vào vận hành sớm tiến độ các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo ở miền Trung.
Ông Lưu Việt Tiến chia sẻ thêm: để đảm bảo mục tiêu giảm tổn thất điện năng trên lưới điện truyền tải vào các năm tới (kế hoạch 2020-2025) mà EVN đề ra, EVNNPT cùng các đơn vị thành viên đã và đang tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp trên các lĩnh vực quản lý, vận hành và đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải; phát triển nguồn nhân lực quản lý và kỹ thuật chất lượng cao.
Người lao động kiểm tra, bảo dưỡng đường dây truyền tải điện bằng thiết bị hiện đại
Bên cạnh đó, Tổng công ty đã ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao vào quản lý vận hành và đầu tư lưới điện; sử dụng vật liệu sản xuất bằng công nghệ mới để giảm tổn thất điện năng. Cùng với đó, tăng cường quản lý kỹ thuật, vận hành, giảm sự cố, giảm thời gian cắt điện… Tổng công ty tiếp tục đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư, đặc biệt các dự án có hiệu quả cao trong việc giảm tổn thất điện năng; sử dụng dây dẫn tổn thất thấp trong các dự án nâng cấp, cải tạo lưới truyền tải điện.
EVNNPT tiếp tục triển khai Đề án “Lưới điện thông minh” nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng năng suất lao động và hoàn thành các mục tiêu chiến lược của EVNNPT.