Sự cố của “ông trùm” truyền thông Yeah1 đã diễn ra đến nay hơn 2 tháng, và doanh nghiệp cũng đã tổn thất khá nhiều cho khủng hoảng trên. Trong tâm bão, Yeah1 bị bốc hơi hàng ngàn tỷ vốn hoá, cổ phiếu rơi thẳng 158% xuống dưới mức 100.000 đồng, đích thân Chủ tịch là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống phải đi bán hàng để củng cố niềm tin của đối tác tại các mảng kinh doanh khác…
Sau tất cả, lãnh đạo Yeah1 không phủ nhận sự cố vừa qua thực sự là một cú sốc lớn và chưa bao giờ lường trước được, đó là một bài học đắt giá cho mai sau. Có thể, đây cũng là một bài học chung cho những doanh nghiệp khác về công tác quản trị rủi ro, một phân mảng quản trị quyết định sự sống còn của công ty.
Phát biểu mở đầu hội thảo “Hiểu đúng quản trị phát triển bền vững” mới đây, ông Lý Trường Chiến, Chuyên gia tư vấn quản trị, đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị, tư vấn chiến lược cho Yeah1 (đảm nhiệm vào tháng 4-2018), đã có những chia sẻ làm sao để quản trị một cách bền vững.
Theo ông Chiến, cần phải xác định được điểm yếu của một mắt xích là gì, và tổ chức cũng giống như mắt xích, phải tìm được điểm yếu, điểm thông lượng tổ chức đó. Chẳng hạn trước nhu cầu thị trường lớn, chúng ta sản xuất và chắc chắn sẽ bán được hàng nhưng “nếu khâu đóng gói bị tắc nghẽn, ngoài kia cầu lớn cũng chẳng thế phân phối sản phẩm được”, ông Chiến lý giải.
Do đó, doanh nghiệp cần có quản trị rủi ro vì rủi ro luôn phát sinh, quản trị là thứ mà làm xuyên suốt, và ngày càng phải được cải thiện.
Hay hình ảnh một sợi dây chuyền ngọc trai, quản trị theo ông Chiến chính là sợi dây bên trong đang kết nối từng hạt ngọc trai. Trường hợp không có sợi dây hoặc sợi dây bị đứt thì kết nối sẽ vỡ, và tổ chức cũng tan rã.
Sự kết nối các thành viên một tổ chức cũng chính là sợi dây không nhìn thấy được nhưng giữ vai trò rất quan trọng, tư duy quản trị đúc kết chính là làm như không làm, vì mình đang làm nhưng không ai thấy cả.