Đó là câu chuyện của chị Lò Thị Nhung, 41 tuổi, (Điện Biên), chị Nhung lập gia đình năm 2011, có con tự nhiên sau một năm cưới nhưng không may bị lưu thai khi thai gần hai tháng. Mãi đến ba năm sau, thấy không thể có con lại, chị mới bắt đầu đi khám ở các phòng khám tư tại Thanh Hóa (ba lần) và từng thực hiện kỹ thuật IUI nhưng không thành công.
Năm 2016, qua lời giới thiệu của chị dâu, chị tìm đến BV Nam học, các bác sĩ cho biết chị bị suy buồng trứng sớm, chất lượng dự trữ buồng trứng thấp.
Phải trải qua năm lần gom trứng, lần nhiều nhất cũng chỉ bảy quả, lần ít chỉ được ba quả. Chị cho biết mỗi lần chọc trứng tuy không đau nhưng rất mệt, phải cố gắng rất nhiều.
Cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực của cả gia đình và bác sĩ, các bác sĩ đã chọn và chuyển được ba phôi tốt, chị mang thai và sinh một bé trai trong niềm vỡ òa hạnh phúc của hai bên gia đình.
Chị Lò Thị Nhung hạnh phúc bên đứa con của mình.
Cũng mang trên mình câu chuyện tìm con suốt hành trình đầu, anh Trần Xuân Chính, 45 tuổi và chị Hoàng Thị Hạnh, kể lại câu chuyện của mình khiến nhiều người không khỏi xúc động.
Vợ chồng anh Chính lấy nhau khi cả hai ở độ tuổi 20, 22. Từng có một cháu sau khi cưới không lâu. Đáng buồn là khi bé được một tháng 21 ngày thì mất. Sau thời gian lâu không thấy có con nữa, chạy chữa khắp nơi, năm 2000 khám bệnh viện phụ sản, kết luận chị bị tắc vòi trứng, cũng thử các phương pháp điều trị nhưng không kết quả (kể cả đông y, tâm linh, ai mách đâu đi đấy). Mất vài năm ròng rã không có kết quả, hai vợ chồng cũng từng đâm nản, “bỏ liều”, không chạy chữa ở đâu nữa.
Đến năm 2017, nghe thông tin trên Facebook biết BV Nam học chữa vô sinh thành công nhiều trường hợp khó, kết quả cao. Hai vợ chồng bàn bạc để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) tại đây
Tuy nhiên, làm lần đầu không thành công. Bác sĩ khuyên về 1, 2 tháng hãy làm tiếp nhưng vợ chồng quá sốt ruột, quá nôn nóng đã đến xin chuyển phôi sớm, TTTON lần hai chỉ sau hai tuần khi lần đầu thất bại. Kết quả được sáu phôi, đặt ba phôi, còn ba phôi trữ lại.
Anh chị cũng từng vay mượn khắp nơi để theo đuổi quá trình tìm kiếm đứa con mơ ước này, ước chừng đã tốn khoảng 300 triệu đồng cho ngần ấy năm nhưng may mắn vợ chồng anh cũng đã trả được 2/3 khoản nợ. Khi điều trị tại BV Nam học, vợ chồng anh cũng được hỗ trợ một phần.
“Trong suốt ngần ấy năm, giữa hai vợ chồng cũng từng nảy sinh mâu thuẫn. Thỉnh thoảng tôi ra ngoài gặp bạn bè, vẫn hay bị bạn bè “khích” là lấy vợ hai. Có khi tâm lý tôi không vững, tức ngay lúc đó nhưng sau khi về, ngủ một đêm thì “cục tức” tiêu tan dần, hai vợ chồng vẫn quyết đồng hành cùng nhau và có được đứa con như hôm nay. Hai vợ chồng đang có kế hoạch khi cháu bé được hai tuổi sẽ đến bệnh viện chuyển phôi lần nữa” - anh Chính kể lại.
Trình bày về thực trạng vô sinh nam hiện nay, tại hội thảo tổng kết “Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2019” sáng 4-8, do BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tổ chức, bác sĩ Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học của bệnh viện, cho biết vô sinh nam chiếm khoảng 40% các trường hợp vô sinh hiếm muộn.
Đáng chú ý, trong số các trường hợp vô sinh nam thì nhóm vô sinh do vô tinh (vẫn xuất tinh bình thường nhưng không có tinh trùng trong tinh dịch) chiếm từ 10%-15% và đang có xu hướng gia tăng. Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, gồm: Đường dẫn bị tắc hoặc không có đường dẫn; tinh hoàn sản xuất kém hoặc không sản xuất tinh trùng.
Theo bác sĩ Việt, với những trường hợp vô tinh do đường dẫn tinh bị tắc thì chỉ cần mổ vi phẫu cắt bỏ đoạn tắc và nối lại ống dẫn tinh, mào tinh. Còn với trường hợp vô tinh do tinh hoàn sản xuất kém thì phức tạp hơn nhiều, phương pháp mổ vi phẫu tóm từng con tinh trùng (Micro TESE) là cứu cánh cuối cùng.
Bác sĩ Việt nhấn mạnh, trước đây nếu người đàn ông bị vô tinh, thường do tinh hoàn tổn thương hoặc bị teo nhỏ, thì cơ hội có con bằng chính tinh trùng của mình gần bằng 0. Thế nhưng gần đây, kỹ thuật mổ vi phẫu Micro TESE - tức vi phẫu tìm từng tinh trùng từ mô tinh hoàn được BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội áp dụng thành công đã đem lại nhiều cơ hội cho người bệnh.