Có được ủy quyền công chứng di chúc?

Tuần trước, cha tôi lập di chúc phân chia tài sản cho tôi và các em. Do tuổi cao, đi lại khó khăn nên cha ủy quyền cho tôi đi công chứng di chúc. Tuy nhiên, công chứng viên từ chối công chứng di chúc cho tôi và yêu cầu cha tôi trực tiếp đi công chứng di chúc. Xin hỏi, yêu cầu trên của công chứng viên có đúng pháp luật? Di chúc bằng văn bản không được công chứng thì có hợp pháp hay không?

Bạn đọc Nguyễn Thị Thu (Bình Chánh, TP.HCM)

Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Công chứng năm 2014, người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc, không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc.

Người lập di chúc được hiểu là người để lại di sản thông qua di chúc.

Trường hợp của chị Thu, cha chị không thể ủy quyền cho chị để công chứng di chúc. Do đó, việc công chứng viên từ chối yêu cầu của chị là phù hợp với quy định pháp luật.

Theo khoản 4 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015, di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực được xem là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép.

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Như vậy, nếu di chúc do cha chị Thu lập thỏa hai điều kiện trên thì di chúc vẫn được xem là hợp pháp dù không công chứng, chứng thực.

Tuy nhiên, để đảm bảo không phát sinh các tranh chấp thừa kế về sau, gia đình chị Thu vẫn nên đưa cha chị đi công chứng di chúc hoặc lập di chúc có người làm chứng.

Mức phạt liên quan đến hoạt động công chứng
Mức phạt liên quan đến hoạt động công chứng
(PLO)- Từ ngày 1-9, cá nhân và tổ chức sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng nếu có hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm