Qua giới thiệu của bạn bè, tôi biết có trang mạng bán mỹ phẩm. Theo như quảng cáo thì sản phẩm của họ sẽ trị nám da hết 99%. Sau đó, tôi có đặt mua một bộ sản phẩm để điều trị. Tuy nhiên, khi sử dụng hết thì bệnh tôi không hết mà còn nặng hơn. Xin hỏi, đối với những nơi bán hàng kém chất lượng như trên thì có bị pháp luật xử phạt hay không?
Bạn đọc có địa chỉ mail thungan…@gmail.com
Luật sư Đặng Thành Tài, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trả lời tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng mà hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, kém chất lượng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 50 triệu đồng tùy theo mức độ.
Theo Điều 12 của Nghị định trên thì hành vi sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng - 60 triệu đồng tùy theo mức độ.
Đồng thời, người thực hiện hành vi này còn có thể bị tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề 6 - 12 hoặc 12 - 24 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.
Ngoài ra, còn bị buộc tiêu hủy tang vật; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường.
Người có hành vi vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 với hình phạt thấp nhất là 2 năm tù, cao nhất là tử hình.