Ngày 30-10, Quốc hội đã nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Pháp Luật TP.HCM tiếp tục ghi nhận, phản ánh ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo.
Có vụ án 30 năm chưa giải quyết xong việc xử lý tài sản
Nêu ý kiến, thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết, tuy nhiên, Chánh án TAND TP.HCM Lê Thanh Phong băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo nghị quyết.
Theo ông, dự thảo “tính luôn giai đoạn giải quyết nguồn tin tội phạm” là trái với quy định tại BLTTHS “cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết kê biên, phong tỏa tài sản sau khi có quyết định khởi tố bị can”.
“Ở giai đoạn xử lý nguồn tin sai phạm nhiều khi chưa trình tới Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo chưa biết nữa mà dự thảo quy định luôn chỗ này tôi thấy không ổn” - ông Lê Thanh Phong nói.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết nói trên. Ông cho hay thực tế có những vụ án, vụ việc việc xử lý tài sản kéo dài hàng chục năm chưa giải quyết được, chưa thi hành án xong.
“Ở TP.HCM có vụ EPCO Minh Phụng hay vụ Ngọc Thảo, các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng 30 năm rồi vẫn chưa giải quyết xong” - ông Hải dẫn chứng.
Theo ông Hải, việc ban hành nghị quyết trên “đặc biệt phục vụ cho yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay”, giúp xử lý quyết liệt, triệt để các tài sản bị tham nhũng bị chiếm đoạt trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, kể cả quá trình trước đó giải quyết các nguồn tin về tội phạm.
Dù vậy, ông Dương Ngọc Hải băn khoăn việc xử lý tài sản trước khi có phán quyết của tòa án, đặc biệt là trong quá trình giải quyết nguồn tin, nếu không chứng minh được hành vi phạm tội thì giải quyết vấn đề xem xét trách nhiệm bồi thường thế nào.
Dự thảo nghị quyết giới hạn việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong phạm vi một số vụ việc, vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Phó Trưởng ban Nội chính Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Sang cho rằng phạm vi điều chỉnh “chưa bao quát hết”. Theo ông, án thuộc diện Ban Chỉ đạo chỉ diễn ra ở một số tội phạm, các loại án này chỉ phức tạp về tính chất, quy mô trong khi đó, vướng mắc từ thực tiễn thi hành diễn ra ở hầu hết tội danh.
Ông dẫn chứng vụ án buôn lậu một lô hàng điện thoại di động hàng chục tỉ đồng nhưng không có cơ chế xử lý, hơn một năm sau, tòa án đưa ra xét xử. Ban đầu, một chiếc điện thoại có thể bán đấu giá được 30 triệu đồng nhưng tới khi chuyển qua cơ quan thi hành án dân sự bán 15 triệu không ai mua. “Đó là một sự lãng phí ghê gớm” - theo ông Sang.
Ông Sang đề xuất quy định theo hướng cho phép thí điểm với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
“Qua ba năm thí điểm, chúng ta mới tổng kết được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất sửa luật được. Nếu chỉ khu trú ở án Ban Chỉ đạo thì chỉ có một số tội danh, sẽ không thể đại diện cho tất cả các loại án” - ông Nguyễn Thanh Sang nói.
Ông Dương Ngọc Hải băn khoăn việc xử lý tài sản trước khi có phán quyết của tòa án, đặc biệt là trong quá trình giải quyết nguồn tin, nếu không chứng minh được hành vi phạm tội thì giải quyết vấn đề xem xét trách nhiệm bồi thường thế nào.
Lo ngại vi phạm nguyên tắc xét xử độc lập của tòa án
Một nội dung đáng chú ý khác, dự thảo quy định khi áp dụng bốn biện pháp áp dụng đối với vật chứng, tài sản đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.
Cụ thể bao gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng.
Việc áp dụng các biện pháp này phải đáp ứng đủ năm điều kiện, thiếu một trong các điều kiện thì không được áp dụng.
Thứ nhất, chỉ quy định thí điểm xử lý đối với một số vật chứng, tài sản nhất định, gồm tiền, bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, để không áp dụng tùy tiện, tràn lan, bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.
Thứ hai, việc áp dụng các biện pháp này do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định phải trên cơ sở sự đồng ý, chủ động đề nghị của những người có liên quan (bị hại hoặc người đại diện của họ; bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản; người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan…).
Thứ ba, trước khi ra quyết định áp dụng, cơ quan tiến hành tố tụng phải trưng cầu giám định tư pháp, yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, việc áp dụng các biện pháp này phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trong mọi giai đoạn trước khi quyết định áp dụng, để bảo đảm chặt chẽ, kiểm soát, tránh vi phạm.
Thứ năm, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ việc, vụ án.
Ông Lê Thanh Phong đặt vấn đề quy định “phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định” có vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử hay không. Ông cũng băn khoăn nếu một cơ quan không đồng ý thì sao, hoặc hai cơ quan đồng ý nhưng tòa án không đồng ý… Chưa kể đến tình huống nếu ba cơ quan đều đồng ý, tới lúc kết luận “có sai”, vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường hay cả ba cơ quan đều liên đới trách nhiệm?
“Tôi thấy có gì đó chưa ổn chỗ này” - ông Lê Thanh Phong nói.
Chung quan điểm, ông Dương Ngọc Hải nêu tình huống: Thủ trưởng của cơ quan tòa án đi họp “thống nhất” nhưng xét xử là một hội đồng khác, vậy bảo đảm tính độc lập của HĐXX thế nào...•
Dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo nghị trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết vào ngày 28-11 tới.