Chính phủ vừa có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội trong giám sát chuyên đề và chất lượng môi trường từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Một góc dự án của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Ảnh: Internet
Theo đó, Chính phủ cho biết đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), ngay sau khi nhận trách nhiệm gây sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung của Việt Nam, Chính phủ chỉ đạo Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan yêu cầu FHS khẩn trương khắc phục hậu quả vi phạm theo quy định.
Theo đó, Bộ TN&MT thành lập tổ giám sát FHS và phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đưa 2 trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát hàng ngày việc xử lý nước thải, khí thải của FHS, tần suất lấy mẫu nước thải tại các vị trí là 3 lần/ngày. Đồng thời, yêu cầu FHS hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường cải thiện, bổ sung nhằm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Quá trình giám sát đã trưng cầu Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Bộ Khoa học và công nghệ) và Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường) lấy, phân tích mẫu để đối chứng với kết quả do Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) phối hợp với FHS thực hiện. Đặc biệt, đã phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (Bộ Quốc phòng) tham gia lấy mẫu đối chứng do Trung tâm Quan trắc môi trường thực hiện giám sát thông số Dioxin/Furan phát sinh từ các ống khói đang hoạt động của FHS.
Kết quả, đến cuối tháng 10-2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải, quản lý chất thải rắn và quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục của FHS đã hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Theo đánh giá của các tổ chức tư vấn nước ngoài có uy tín (Atkins của Anh và Veolia của Pháp) do Bộ TN&MT mời khảo sát tại FHS, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải đã được FHS đầu tư bài bản, quy mô, sử dụng các thiết bị, công nghệ hiện đại, tiên tiến trên thế giới.
Đến nay, FHS khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính, riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (hiện FHS đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường), FHS đã lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô của Nhật Bản, dự kiến tháng 3-2019 hoàn thành hệ thống CDQ số 1 và tháng 6-2019 hoàn thành hệ thống CDQ số 2 theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Trong giai đoạn chờ chuyển đổi sang hệ thống CDQ, FHS đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi tái sử dụng.
Để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, FHS phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí là 343,921 triệu USD. Hiện nay, các hạng mục công trình bổ sung đã hoàn thành, chất thải đang được giám sát bằng các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường, Bộ TB&MT.
Đặc biệt, FHS hoàn thành hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học xây dựng trên diện tích 10 ha, đảm bảo ứng phó được các sự cố về nước thải có thể xảy ra ở 3 cấp độ.
Hiện tại, FHS đang vận hành ổn định Lò cao số 1 đạt 100% công suất thiết kế và các hạng mục luyện, cán thép để sản xuất ra các sản phẩm gang, thép bán trong nước và xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Từ tháng 6-2016 đến nay, các nguồn chất thải phát sinh từ quá trình vận hành của FHS vẫn đang được Bộ TN&MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc tế về môi trường trước khi thải ra môi trường.
FHS cũng kiểm soát được các nguồn thải ô nhiễm, đảm bảo an toàn về môi trường, đã đầu tư bổ sung và đưa vào vận hành nhiều hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc tế theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Trong tháng 5-2018, FHS đã đưa Lò cao số 2 vào vận hành thử nghiệm với sự giám sát chặt chẽ của các Bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan khoa học trong nước và quốc tế kiểm tra, giám sát liên tục, định kỳ và đột xuất đối với FHS trong quá trình hoạt động, nhằm đảm bảo các nguồn chất thải phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi thải ra ngoài…
Báo cáo cũng cho biết, tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng đã phê duyệt triển khai hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển hiện đại, đồng bộ nhằm cung cấp thông tin, số liệu, tư liệu về hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường biển miền Trung (không khí xung quanh, nước biển và trầm tích). Đồng thời, cảnh báo kịp khi chất lượng môi trường biển miền Trung có dấu hiệu bị ô nhiễm...
Báo cáo Chính phủ cũng cho biết trong năm 2017, Bộ TN&MT đã thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 439 cơ sở trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là trên 17 tỉ đồng. |