Sáng 19-6, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TP đã tổ chức tọa đàm “Báo chí - Xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước” trong thực hiện thành công Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Báo chí không nên dừng lại ở sự phê phán
Một vấn đề được bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đặt ra tại buổi tọa đàm là “báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp”. “Chúng ta phải làm sao giảm đưa những tiêu cực, giảm đưa những loạt bài mà chỉ có tiêu cực, phê phán. Báo chí phê phán phải thay bằng báo chí giải pháp, đưa ra những ý tưởng, sáng tạo và những gương điển hình tiên tiến” - bà Thảo nói và cho rằng hiện nay báo chí đưa quá nhiều tiêu cực. Cần phải giảm bớt các bài tiêu cực trên mặt báo, tăng các bài tích cực để xây dựng phát triển TP.HCM và đất nước.
Đồng tình với quan điểm này, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng lâu nay báo chí cũng có giải pháp nhưng chưa nhiều, nay cần phát huy nhiều hơn nữa. Ông Nhân lưu ý “báo chí giải pháp” không có nghĩa là không phê phán mà cần thực hiện thêm một bước, thay vì chỉ phê phán. Đầu tiên cũng xuất phát từ việc phê phán nhưng qua đó cần đề xuất các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém. Để làm được việc này đòi hỏi sự phối kết hợp từ người quan sát, phân tích đến việc khuyến khích thực hiện giải pháp thông qua ý kiến của người dân, của chuyên gia, nhà khoa học.
Trao đổi thêm về vấn đề này, bà Thảo cho rằng báo chí phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy. Báo chí phải truyền thông để đưa Nghị quyết 54 của Quốc hội vào cuộc sống, tập trung đưa những mô hình, điển hình làm tốt.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: H.TRIỀU
Báo chí phải là bà đỡ cho sự sáng tạo của dân
PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh báo chí phải là bà đỡ cho sự sáng tạo của người dân TP. Tuy vậy, để báo chí cùng đồng hành và kịp thời thông tin, tuyên truyền quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thì báo chí phải được tham gia vào tất cả công việc, được cung cấp đầy đủ thông tin. Có như thế mới đảm bảo tốt nhiệm vụ vừa định hướng vừa phản biện.
Thẳng thắn nhìn nhận tình trạng bị động của báo chí khi thông tin về việc thực hiện Nghị quyết số 54, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung cho rằng để báo chí tham gia tích cực, hiệu quả hơn thì phải xem báo chí là người trong cuộc chứ không chỉ là người quan sát, đưa tin về các sự kiện của TP. “Chúng tôi hướng đến thực hiện báo chí giải pháp thay vì báo chí phản ánh, thông tin” - ông Trung nói và cho rằng nhiều lúc cũng “lực bất tòng tâm” do việc tiếp cận thông tin gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các cơ quan chính quyền phải công khai hóa các chính sách để người dân nắm rõ. Ông Nhân cho rằng báo chí tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, các tiêu cực và tệ nạn xã hội với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Song song đó, báo chí cũng phải phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới và tương lai của đất nước.
Bí thư Thành ủy cho rằng TP.HCM đang trong một bối cảnh lịch sử chưa bao giờ phát triển với nhiều cơ hội như hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Bối cảnh đó đòi hỏi TP phải tiến nhanh hơn, hiệu quả hơn. “Mong báo chí giúp TP.HCM tiến nhanh hơn” - ông Nhân nói.
Hãy cùng báo chí tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ nhân dân Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng khi các cơ quan báo chí có những giải pháp tuyên truyền rộng rãi, sáng tạo sẽ tạo được sự đồng thuận và ủng hộ của quần chúng nhân dân thì mới phát huy một cách tối đa nguồn lực người dân TP trong việc triển khai Nghị quyết số 54. Do đó, bà Thư đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền... cần thay đổi nhận thức, nhìn nhận về vai trò của báo chí, không né tránh báo chí, thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Đồng thời cần hợp tác tốt với báo chí để kịp thời thông tin, tuyên truyền các cơ chế, chính sách; các nội dung triển khai của ngành, địa phương nhằm tạo sự đồng thuận và ủng hộ tích cực của người dân. |