Bao giờ mới dẹp được SIM rác?

(PLO)- Các nhà mạng đã cam kết ngừng phân phối SIM qua kênh đại lý để hạn chế SIM rác, thế nhưng SIM rác hiện vẫn tràn lan...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại cuộc họp báo tháng 9 vừa qua của Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết các nhà mạng cam kết sẽ ngừng phân phối SIM qua kênh đại lý từ ngày 10-9 để hạn chế tình trạng SIM rác.

Bên cạnh đó, trong văn bản của Cục Viễn thông gửi các nhà mạng vào ngày 15-10 cũng yêu cầu các nhà mạng ngừng cung cấp SIM di động qua các đại lý theo đúng cam kết với lãnh đạo Bộ TT&TT. Nhà mạng cũng cần phải quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý các đại lý và nhân viên vi phạm.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu trên, SIM rác vẫn được bán tràn lan khắp nơi theo nhiều cách khác nhau. Người dân vẫn liên tục bị làm phiền từ các cuộc gọi của SIM rác.

Đổi SIM cũng không tránh khỏi bị làm phiền

Chị Hồ Yến (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị và gia đình lâu nay vẫn liên tục bị nạn SIM rác gọi điện thoại làm phiền. Cứ cách 1-2 giờ là nhận được cuộc gọi chào mua đất, mua cổ phiếu, đầu tư vàng… từ nhiều số khác nhau, chặn số này thì có số khác gọi ngay.

Theo chị Yến, nguyên nhân SIM rác vẫn tồn tại là do các đại lý bán SIM tiếp tục bán tràn lan, bất chấp các quy định của Nhà nước. Dù Bộ TT&TT đã yêu cầu siết chặt, nhà mạng cam kết ngừng phân phối SIM qua các đại lý, thế nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh quyết liệt nào từ các nhà mạng về việc này.

w-P10-Chong-sim-rac_23-10.jpg
SIM rác vẫn được bán tràn lan ở lề đường, ai muốn mua bao nhiêu SIM cũng được, nhà mạng nào cũng có. Ảnh: HT

“Đa số cuộc gọi tôi nhận được từ SIM rác là quảng cáo. Còn một số người quen của tôi lại nhận cuộc gọi lừa đảo, có người đã mất một số tiền lớn. Các đối tượng lừa đảo dùng SIM rác gọi điện thoại dụ dỗ người nghe có quà tặng, du lịch miễn phí, giả dạng công an, nhân viên nhà mạng… để thực hiện kế hoạch lừa đảo, sau đó chiếm đoạt tài sản của người nghe. Theo tôi, muốn trị nạn lừa đảo trước hết cần loại bỏ SIM rác, mà bỏ SIM rác thì phải trông chờ các nhà mạng” - chị Yến nói.

Chị Trần Mỹ An (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng cho biết cách đây vài ngày, do lỡ tay bấm vào đường link được ghi trong tin nhắn SIM rác gửi đến mà chị bị “hack” mất tài khoản Facebook của mình.

“Càng ngày SIM rác càng hoành hành nhiều hơn chứ chưa thấy giảm. Không chỉ là nhận cuộc gọi rác, sau này tôi vừa bị gọi vừa bị nhắn tin liên tục. Quá mệt mỏi, tôi đổi sang SIM khác dùng mà cũng không thoát được vấn nạn này” - chị An than vãn.

440.000 là số thuê bao điện thoại đã đăng ký với cơ quan chức năng tại địa chỉ: https://khongquangcao.ais.gov.vn/ để không nhận quảng cáo.

Anh Nguyễn Thoại (quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng chia sẻ hiện nay các đại lý, cửa hàng, điểm bán lẻ SIM điện thoại “lách luật” bằng cách sử dụng thông tin cá nhân của người khác để đăng ký thông tin thuê bao, sau đó bán cho người dùng. Điều này dẫn đến tình trạng thuê bao chính chủ nhưng người sử dụng thì không chính chủ.

“Nếu theo quy định mỗi người được đăng ký ba SIM đối với mỗi nhà mạng thì khi làm đúng sao có thể xảy ra chuyện một người làm chủ cả 10, 100 SIM hay hơn thế nữa. Theo tôi, chỉ cần nhà mạng làm đúng và cơ quan chức năng quyết liệt xử lý thì sẽ giải quyết được ngay. Đồng thời, khóa hẳn những SIM có thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư hoặc thuê bao có dấu hiệu làm phiền, lừa đảo mà bị người dân phản ánh nhiều lần” - anh Thoại góp ý.

Sử dụng công nghệ AI chống giả mạo

Trao đổi với PV, nhà mạng MobiFone cho biết đã xây dựng hệ thống giám sát và ngăn chặn thuê bao gọi rác theo đúng các tiêu chí của Cục Viễn thông về thực hiện ngăn chặn cuộc gọi rác, chủ động chặn các thuê bao gọi rác theo tiêu chí đánh giá, giám sát khi hệ thống phát hiện.

“MobiFone chủ động thực hiện tối ưu hệ thống để nâng cao hiệu quả giám sát và chủ động thay đổi luật/ngưỡng giám sát để giám sát chặn các hành vi của thuê bao nghi ngờ gọi rác. Từ đó nâng cao hiệu quả giám sát/ngăn chặn thuê bao gọi rác. Nhờ đó, số lượng tin nhắn rác và cuộc gọi rác được chặn trên mạng MobiFone là rất lớn, tránh được nhiều phiền phức cho khách hàng” - đại diện MobiFone cho hay.

Theo nhà mạng VinaPhone, để hạn chế tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thời gian qua đơn vị này đã triển khai các hệ thống phát hiện tin nhắn rác. Hệ thống này sẽ rà soát, nghi ngờ thuê bao thực hiện cuộc gọi rác để đưa vào khảo sát người nghe và thực hiện khóa. Kết nối với cổng phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác của Bộ TT&TT.

Bên cạnh đó, nhà mạng cũng khẩn trương tiến hành chuẩn hóa thông tin thuê bao trên toàn mạng nhằm quản lý thuê bao chính chủ, hạn chế thực hiện các cuộc gọi rác. Nhà mạng cũng đã triển khai các dịch vụ cuộc gọi định danh, tin nhắn định danh để cho các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu gọi quảng cáo, nhắn tin quảng cáo.

Cũng theo đại diện nhà mạng Viettel, đơn vị đã sử dụng công nghệ AI chống giả mạo, hệ thống tự động đọc và phiên thông tin giấy tờ tùy thân của khách hàng vào hệ thống. Đồng thời áp dụng đối soát online với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an, trường hợp không trùng khớp với CSDL sẽ từ chối không cho đăng ký/hòa mạng thuê bao.

Ngoài ra còn sử dụng công nghệ eKYC để tìm kiếm, so khớp ảnh chân dung của khách hàng với CSDL khuôn mặt đã lưu trên hệ thống để nhận diện các trường hợp giấy tờ giả mạo (cắt dán/photoshop ảnh vào phôi giấy tờ có sẵn).

“100% thuê bao hòa mạng mới/chuẩn hóa thông tin đều áp dụng qua luồng video call, điện thoại viên tổng đài tương tác trực tiếp với khách hàng để đảm bảo chống các công nghệ giả mạo qua hình ảnh video, đồng thời xác minh khách hàng có nhu cầu thực” - đại diện Viettel cho biết.

Bộ TT&TT: Đảm bảo an toàn thông tin người dùng

Theo Bộ TT&TT, để hạn chế nạn SIM rác, bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai kết nối, xác thực CSDL thông tin thuê bao với CSDL quốc gia về dân cư.

Theo dõi, giám sát tình trạng cuộc gọi rác thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số 5656, 156 và website thongbaorac.ais.gov.vn). Thực hiện giải pháp danh sách không quảng cáo (https://khongquangcao.ais.gov.vn/)… Người dân sẽ đăng ký từ chối nhận quảng cáo nếu không có nhu cầu.

Trong thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy tăng cường triển khai định danh cuộc gọi (voice brandname) theo quy định tại Nghị định 91/2020; chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông di động tiếp tục kết nối, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư.

Tiếp tục điều phối các lực lượng trong ngành TT&TT, phối hợp với lực lượng công an phát hiện, bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, tin nhắn rác.

Triển khai một số cuộc thanh tra chuyên đề về đảm bảo an toàn thông tin người dùng đối với các tổ chức, cá nhân…

Từ đó kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới. PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm