Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết năm 2010, Bộ Tài chính thống kê trục lợi bảo hiểm xảy ra tại năm doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có thị phần lớn nhất Việt Nam chiếm hơn 10% tổng số tiền bảo hiểm bồi thường. Theo các công ty bảo hiểm, thời gian gần đây tỉ lệ trên còn cao hơn. Số vụ việc trục lợi bảo hiểm gia tăng đáng kể với nhiều “chiêu trò” mới khiến DN khá vất vả mới phát hiện được.
Khách hàng “vừa đánh trống vừa la làng”
Khá tiếu lâm là trường hợp ông Ch. ở Nghệ An. Ông này bị bệnh thực quản nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế nên đánh liều mượn thẻ của ông H. cùng xóm do nhận thấy hai người có gương mặt “hao hao”. Điều oái oăm là mọi chuyện lại rất “suôn sẻ”, ông Ch. đi trót lọt từ tuyến y tế cơ sở lên đến bệnh viện tuyến trên. Mãi cho đến khi tham gia bảo hiểm nhân thọ ông mới bị DN phát hiện.
Có lẽ trường hợp khiến DN bảo hiểm bị “hớ” nhất là của bệnh nhân T., nhập viện điều trị cùng một thời điểm tại hai bệnh viện khác nhau. Lần đầu, ông này nhập viện từ ngày 2-5 đến 12-5 tại bệnh viện đa khoa tỉnh D, được chẩn đoán viêm họng cấp. Lần hai, ông nhập viện từ ngày 6-5 đến 17-5, tại bệnh viện đa khoa huyện H, được chẩn đoán viêm cơ đùi trái. Thế là với hai giấy ra viện “ngon lành”, ông T. quên mất là thời gian nằm viện của mình chồng lấn lên nhau. Khi đến DN bảo hiểm đòi bồi thường, sự việc mới bị vỡ lẽ, trong hai hồ sơ bệnh án của ông chắc chắn có một là giả mạo, mà cũng có thể là cả hai.
Không chỉ có trường hợp nằm viện, lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới còn bị nạn trục lợi hoành hành “dữ dằn” hơn. Đáng chú ý là trường hợp ô tô chở khách mang biển số 35N-51… của chị L. ở TP Nam Định. Sau khi mua, nhận thấy giá trị xe tham gia bảo hiểm đến 400 triệu đồng, gấp đôi giá trị thực tế, chị L. đã chủ mưu cùng lái xe và lơ xe điều xe về đậu ở bãi đất trống của người quen ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa, đợi đến nửa đêm cho hai người nọ lén ra đốt xe. Sáng hôm sau, chị đến DN bảo hiểm đòi bồi thường tổn thất toàn bộ xe với số tiền 400 triệu đồng. Nhận thấy vụ việc đáng ngờ, phía DN đã điều tra và xác định được việc chủ xe tự đốt xe nhằm trục lợi bảo hiểm. Bị lật tẩy, chị L. đành xin rút yêu cầu bồi thường và chấp nhận thiệt hại.
Doanh nghiệp “dở khóc dở cười”
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhận định thời gian gần đây tình trạng trục lợi bảo hiểm xuất hiện trong nhiều lĩnh vực với các hành vi như sự kiện đã xảy ra (tai nạn, ốm đau…) mới mua bảo hiểm, thêm bớt nội dung trên giấy chứng nhận bảo hiểm, sử dụng giấy tờ giả hoặc lắp biển kiểm soát của xe được bảo hiểm, thay người lái xe không có bằng lái bằng người có bằng lái lúc gây tai nạn…
Tìm cách đối phó, làm rõ các vụ trục lợi đã khó, DN bảo hiểm còn phải đối mặt với việc rất khó xử lý các trường hợp vi phạm. Theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc pháp lý Công ty Bảo hiểm Prudential, nhiều trường hợp cơ quan công an từ chối cung cấp thông tin với lý do đó là quan hệ dân sự giữa DN với khách hàng. Bên cạnh đó, pháp luật hình sự ở Việt Nam chưa quy định cụ thể hành vi trục lợi bảo hiểm. Khi yêu cầu cơ quan điều tra can thiệp, DN bảo hiểm chỉ có thể viện dẫn đến hành vi lừa đảo theo quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, DN rất khó chứng minh hành vi lừa đảo của khách hàng. Nhận ra “khe hở” đó, nhiều người mới nghĩ rằng nếu “ăn gian” mà không bị sao cả thì tội gì không làm.
“Thẩm quyền của DN bảo hiểm còn rất giới hạn ngay trong chính lĩnh vực của mình. Nhiều vụ việc DN phải “ngậm đắng” chấp nhận bồi thường trong khi biết chắc đó là gian lận” - bà Lan Anh nói thêm.
Đối với những trường hợp này, ông Phạm Trường Khánh, Giám đốc marketing Công ty Bảo hiểm Liberty, cho biết DN vẫn bồi thường nhưng sẽ đưa họ vào “danh sách đen” không nhận đăng ký bảo hiểm nữa. Thực chất đây là sự thiệt thòi vì nếu làm căng thì việc giải quyết các tranh chấp ở tòa càng khó khăn.
Còn bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm AAA, chia sẻ DN chọn giải pháp đầu tư thành lập đội phản ứng nhanh, trung tâm chăm sóc tư vấn 24/24 giờ để giải quyết kịp thời các vấn đề của khách hàng. Thế nhưng theo bà vẫn phải có sự kiểm soát, vì nếu DN quá khó sẽ tạo tâm lý “mua bảo hiểm thì dễ mà đòi tiền bảo hiểm thì khó” trong khách hàng.
Thiệt hại tiền tỉ Từ giữa năm 2011 đến giữa năm 2012, Công ty Bảo hiểm AAA điều tra kết luận có trên 30 vụ trục lợi bảo hiểm lớn với số tiền hơn 5 tỉ đồng. Còn theo Công ty Bảo hiểm Prudential, trong năm 2011, tổng số tiền chi trả bồi thường cho các trường hợp nằm viện lên đến hàng trăm tỉ đồng và số tiền tăng gần gấp đôi trong năm 2012. Các trường hợp nằm viện tập trung nhiều vào các bệnh lý thông thường mà dưới góc độ chuyên môn y khoa thì hoàn toàn có thể điều trị ngoại trú. |
NHƯ VŨ