Bảo vệ môi trường: Yếu cả chính sách lẫn năng lực

“Thời gian qua, tình trạng ô nhiễm bùng phát, nhiều sự cố môi trường xảy ra nghiêm trọng, có nhiều điểm nóng môi trường trên cả nước, tình trạng khiếu nại đông người diễn ra nhiều nơi… Do đó, cần tập trung làm rõ thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi mở đầu hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường ngày 24-8.

Nguy cơ thành bãi thải

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết những sự cố môi trường xảy ra trong thời gian gần đây có tác động trên diện rộng, đặc biệt là sự cố môi trường biển miền Trung. Tình trạng xả thải, chôn chất thải gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó nhiều vụ nghiêm trọng, kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. “Hiện trên cả nước có 283 khu công nghiệp với hơn 550.000 m3 nước thải/ngày đêm và hơn 615 cụm công nghiệp nhưng chỉ có hơn 5% có hệ thống xử lý nước thải. Cả nước có hơn 4.500 làng nghề nhưng hầu hết sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường” - Bộ trưởng Hà nói.

Về mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế với công tác bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết hiện nay khu vực FDI (đầu tư trực tiếp từ nước ngoài - NV) đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam. 70% tốc độ tăng trưởng của nước ta hiện nay có sự đóng góp bởi các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, FDI lại có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành nghề tiêu hao năng lượng và tài nguyên, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, khai thác khoáng sản, sản xuất bột giấy, hóa chất. “Một số dự án FDI vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường như Công ty Vedan, Miwon, Formosa, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Man…” - Bộ trưởng Hà dẫn chứng.

Theo Bộ trưởng Hà, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới đang diễn ra, nếu chậm trễ Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ trở thành bãi thải công nghệ đen, công nghệ lạc hậu của thế giới. Do đó, buộc các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải có đầu tư thích đáng để có nguồn lực giải quyết ngay từ đầu các vấn đề về môi trường.

Các dự án FDI đang gây nhiều áp lực cho việc bảo vệ môi trường. Trong ảnh: Nhà máy giấy của Công ty Lee&Man nằm sát sông Hậu gây lo ngại về ô nhiễm. . Ảnh: TRUNG THANH

Không hy sinh môi trường

Theo Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương, các dự án ven biển hiện nay rất nhiều. Vì vậy, qua vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm vùng biển miền Trung cần phải đánh giá xem các dự án gần biển, ven biển có đảm bảo các điều kiện về môi trường hay không. Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bổ sung: “Phải quyết liệt thực hiện chỉ thị của Thủ tướng về bảo vệ môi trường theo quan điểm phát triển kinh tế không hy sinh môi trường. Nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rồi, nếu phát triển kinh tế mà hy sinh môi trường thì số tiền bỏ ra để khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường còn tốn kém hơn. Đó là chưa kể có những dạng ô nhiễm môi trường không khắc phục được”.

Vụ Formosa Hà Tĩnh gây ô nhiễm biển bốn tỉnh miền Trung được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn lại: “Qua vụ Formosa chứng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về bảo vệ môi trường còn yếu. Sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa đủ mạnh, hệ thống chính sách cũng chưa đủ mạnh, ý thức chấp hành pháp luật của nhà đầu tư cũng có vấn đề, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao”.

Bộ trưởng Hà nhìn nhận cơ chế thanh tra, kiểm tra chấp hành luật bảo vệ môi trường còn bất cập, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, phân công phân cấp giữa các bộ ngành, các cấp chưa tốt… Nhìn chung hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước về môi trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. “Chúng ta nói đủ thứ về quản lý nhưng trách nhiệm ở đâu cần phải xác định rõ, không thể để xảy ra tình trạng cha chung không ai khóc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT và các bộ, ngành, đơn vị liên quan phải xem xét cẩn trọng những dự án lớn đầu tư ở những khu vực nhạy cảm như đông dân cư, ven biển, không cho phép thực hiện các dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm cao. “Các địa phương phải chủ động xây dựng giải pháp xử lý môi trường, đảm bảo môi trường sống trong lành cho người dân. Bảo vệ môi trường không phải là chuyện làm cho tương lai mà là vấn đề cấp thiết hiện tại, bởi những hậu quả do ô nhiễm môi trường đã đe dọa cuộc sống của chúng ta hiện nay. Chúng ta không được hy sinh môi trường để phát triển kinh tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Khoáng sản lấy đi, để lại ô nhiễm

Quảng Ninh là tỉnh có nhiều dự án khai thác khoáng sản. Theo ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh có hơn 60 mỏ than, cung cấp hơn 90% lượng than cho cả nước. Ngoài ra, Quảng Ninh còn là trung tâm nhiệt điện cả nước với sáu nhà máy nhiệt điện, tạo sức ép lên môi trường rất lớn cho địa phương phía Bắc. Tuy nhiên, theo ông Long, dù đóng góp lớn về kinh tế nhưng áp lực môi trường rất lớn với tỉnh. Cụ thể, giờ đây là việc giải quyết hậu quả môi trường từ hoạt động khai thác than, các nhà máy nhiệt điện, xi măng sử dụng công nghệ Trung Quốc, bị hỏng rồi được sửa chữa hoạt động lại và gây ô nhiễm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt là một số nhà máy xi măng được cấp phép ngay sát vịnh Hạ Long…

“Hơn 90% than khai thác ở tỉnh được chở đi tiêu thụ các nơi cả nước nhưng hậu quả môi trường thì người dân Quảng Ninh phải gánh chịu. Chính phủ xem xét cho Quảng Ninh hưởng 100% thuế bảo vệ môi trường của ngành than (hiện nay chỉ được hưởng 70%, 30% nộp về trung ương) để tập trung xử lý các vấn đề về môi trường” - ông Long bày tỏ.

Những con số rùng mình chưa từng công bố

100.000 tấn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật là số lượng cả nước sử dụng trong một năm. 787 đô thị thải ra hơn 3 triệu m3 nước ngày/đêm nhưng hầu hết chưa được xử lý. Cạnh đó, hơn 13.500 cơ sở y tế phát sinh hơn 47 tấn rác thải nguy hại/năm và 125.000 m3 nước tải y tế.

Ông TRẦN HỒNG HÀ, Bộ trưởng Bộ TN&MT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm