Đây là quan điểm của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sáng 26-10.
Mở đầu phiên thảo luận, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Theo đó, một số ý kiến đề nghị không quy định trong dự thảo luật việc sử dụng ngân sách nhà nước trong quá trình cơ cấu lại các TCTD; không quy định các nội dung liên quan đến chính sách thuế trong luật này để đảm bảo tính thống nhất đồng bộ của pháp luật về thuế.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đồng tình với quy định cần đặt kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD yếu kém và có cơ chế xử lý nhưng không dùng ngân sách. Vị này cho rằng việc cho phá sản TCTD sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền trên hệ thống, nếu bắt buộc phải phá sản các TCTD yếu kém thì cần có quy định rõ để đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
“Hiện nay quy định mức bảo hiểm tiền gửi tối đa 70 triệu đồng là chưa hợp lý. Người gửi tiền có giá trị lên đến hàng tỉ đồng nhưng mức bảo hiểm khi rủi ro chỉ ở mức 70 triệu đồng, tạo ra mức chênh lệch quá lớn. Do vậy, chúng ta cần điều chỉnh mức bảo hiểm tiền gửi tương xứng hợp lý khi người gửi tiền gặp rủi ro” - ĐB Thơ đề xuất.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội).
ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cũng đồng tình với nguyên tắc không sử dụng ngân sách vào xử lý các ngân hàng yếu kém. Tuy nhiên, ĐB Mai cho rằng nguyên tắc này chưa triệt để.
“Theo quy định trong dự luật, các TCTD được kiểm soát đặc biệt sẽ được áp dụng hỗ trợ lãi vay tái cấp vốn, hỗ trợ thanh khoản, tài chính. Như vậy không thể nói không sử dụng ngân sách xử lý các TCTD yếu kém, dù là gián tiếp hay trực tiếp. Nếu ngân sách được sử dụng gián tiếp thì có đảm bảo được quy định pháp luật hay không. Tôi nghĩ không nên sử dụng phương án gián tiếp hay trực tiếp ngân sách để xử lý. Nếu các ngân hàng được hỗ trợ mà không thành công, không xử lý được thì ai chịu trách nhiệm” - ĐB đến từ Hà Nội nêu ý kiến.
Đồng tình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu quan điểm chúng ta nên minh bạch chuyện xử lý ngân hàng yếu kém. Luật TCTD năm 2010 đã có đầy đủ quy định về sở hữu chéo, nợ xấu… nhưng tại sao vẫn xảy ra tình trạng như vừa qua. “Trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước trong cấp phép, kiểm soát ngân hàng yếu kém ra sao? Cần quy trách nhiệm cụ thể đối với Ngân hàng Nhà nước, không nói chung chung” - ông nói.
Cùng với đó, theo ông Nghĩa, luật cần quy định bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là ưu tiên số một vì nguồn tiền gửi chiếm 80% nguồn vốn của TCTD. “Việc chi trả bảo hiểm cần tương ứng tiền gửi bởi như hiện nay việc chi bảo hiểm tiền gửi của người gửi 100 triệu đồng cũng bằng người gửi 1 tỉ đồng” - ĐB Nghĩa nêu thực tế.
ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội), Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), cho rằng việc hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ thanh khoản, tài chính cho các TCTD yếu kém cũng là cách để không tạo ra hiệu ứng đổ vỡ trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, ĐB này mong ĐBQH hiểu và đồng ý chủ trương để Chính phủ hỗ trợ TCTD trong quá trình xử lý các TCTD yếu kém.