Báo động đỏ về giá nhà ở Việt Nam

Đó là một trong những ý kiến được nhiều chuyên gia đưa ra tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương với Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) để lắng nghe các đánh giá về thực trạng thị trường BĐS TP.HCM vào chiều 8-9.

Thiếu chính sách hỗ trợ cho nhà ở xã hội phát triển

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng giá nhà ở Việt Nam đang quá cao so với thu nhập của người dân. Ông Châu dẫn ví dụ, giá nhà ở Hàn Quốc đắt gấp 5-6 lần so với thu nhập của người dân. Trong khi đó giá nhà vừa túi tiền ở nước ta cao gấp 20-25 lần so với người có thu nhập trung bình. Điều đó cho thấy giá nhà ở Việt Nam cao quá sức chịu đựng so với đại bộ phận người lao động có mức thu nhập trung bình thấp trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp làm nhà ở xã hội (NOXH) thì không được hưởng bất cứ sự hỗ trợ nào từ chính sách. Điển hình như Công ty Lê Thành tới thời điểm này đã đưa ra thị trường khoảng 6.000 căn nhà giá rẻ cho TP.HCM, đây là công ty BĐS đầu tiên xây loại hình nhà cho thuê trong vòng 49 năm có giá 250-350 triệu đồng/căn. Đồng thời đây cũng là doanh nghiệp tư nhân duy nhất mà làm NOXH cho thuê mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của Nhà nước. “Đứng trước những khó khăn về vốn, tiền sử dụng đất… khiến các chủ đầu tư không mấy mặn mà với việc xây dựng các dự án NOXH, thậm chí có người còn muốn trả lại dự án ở phân khúc này” - ông Châu nêu ý kiến.

Trong khi đó, ở Hàn Quốc có loại hình NOXH cho thuê suốt đời với diện tích từ 30 m2 trở xuống. Nếu đối tượng này thoát nghèo thì có thể trả lại căn nhà diện tích nhỏ và tiếp tục thuê loại nhà có thời hạn thuê trong vòng 50 năm nhưng có diện tích lớn hơn. Thậm chí, sau đó họ tiếp tục thoát nghèo nữa thì có thể thuê loại nhà 30 năm và có diện tích lớn hơn nữa. “Đây có thể là những kinh nghiệm mà chúng ta hoàn toàn có thể nghiên cứu và học hỏi. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho chủ trương làm NOXH phát triển thì vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng” - ông Châu nhận định.

“Những người lao động nghèo khó có thể mua nhà bởi quỹ nhà ở xã hội phần lớn dành cho công chức, viên chức, gói 30.000 tỉ đồng cũng dành cho người thu nhập trung bình. Người nghèo đang bị bỏ rơi. Tôi đã từng đấu tranh đề nghị làm nhà diện tích nhỏ, nhà cho thuê, điều này sẽ giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận nhà ở” - ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành, nói.

Điều đáng báo động là những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà.

Cần bảo vệ quyền có chỗ ở hợp pháp của người dân

Cũng tại buổi làm việc này, nhìn từ góc độ pháp lý đối với thị trường BĐS, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng: Các cơ quan, ban ngành cần tạo hành lang pháp lý ổn định phát triển, đặc biệt là về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng… cần có sự phát triển đồng bộ. Trong đó quan trọng nhất là Luật Đất đai, bởi hiện có nhiều người dân có chỗ ở nhưng chỗ ở này không hợp pháp được hoặc không có chỗ ở vì những rắc rối liên quan đến vấn đề đất đai. Do đó, Ban Kinh tế Trung ương cần đặc biệt quan tâm đến Luật Đất đai bởi đây là nền móng để bảo vệ quyền lợi có chỗ ở hợp pháp của công dân.

Trong khi đó, liên quan đến nỗi lo lắng là làm sao để thị trường BĐS trên cả nước hoạt động bền vững, bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP, cho biết: "Có những thời kỳ mà các sàn giao dịch trên địa bàn TP vắng khách như chùa bà Đanh, đến nỗi có vị giám đốc sàn BĐS đã nói rằng “tiền đã biến mất khỏi thị trường BĐS thành phố”. Hay như năm 2009 người người đổ tiền vào Bình Dương - nơi mà Mỹ Phước 3, Mỹ Phước 4 bán đắt như tôm tươi với giá 2-2,2 triệu đồng/m2. Có những người mua cả ngàn mét vuông ở Mỹ Phước 4 rồi cắt ra không biết bao nhiêu nền và dân TP đổ tiền vào đó để đầu tư. Nhưng tới bây giờ có ai xây nhà ở đó, thậm chí hạ tầng còn chưa có.

Hay như gần đây đất Nhơn Trạch sốt xình xịch do thông tin xây cầu, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Chính phủ xúc tiến xây dựng sân bay quốc tế Long Thành… Tất cả những yếu tố này đã làm gia tăng giá đất ở khu vực Nhơn Trạch. Do đó dòng tiền của người TP, thậm chí dân ở Hà Nội và các tỉnh khác đầu tư vào Nhơn Trạch cũng nhiều. Nhưng vấn đề là Nhơn TRạch có hình thành nên đô thị vệ tinh đúng nghĩa hay không, có hình thành nên khu đô thị có dân cư sinh sống hay không thì đó là vấn đề cần trông chờ vào “bàn tay” điều tiết của Chính phủ. Còn nếu không, chỉ là vấn đề mua đi bán lại mà thôi.

“Do đó, vấn đề đặt ra là làm sao để điều tiết thị trường BĐS TP hoặc thị trường các tỉnh nói chung phát triển một cách bền vững đòi hỏi một người nhạc trưởng hết sức tài ba. Việc giám sát, quản lý thị trường BĐS không phải chỉ ở hai TP lớn mà đối với cả thị trường tại các tỉnh, thành khác diễn biến như thế nào cũng là điều vô cùng cần thiết” - bà Loan nêu quan điểm.

Ông Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, cho biết các ý kiến đóng góp của HoREA và cộng đồng doanh nghiệp BĐS tại TP.HCM sẽ được tham mưu cho Chính phủ.

Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở giá rẻ, nhà ở diện tích nhỏ mà việc giá BĐS tăng cao thời gian qua đang đẩy giấc mơ an cư của người nghèo đô thị thêm xa vời. Đáng báo động là trong số đó những người nghèo đang dần dần mất khả năng mua nhà.

(Hiệp hội BĐS TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm