Suốt ba năm qua, từ tháng 12-2015, sau khi một số hạng mục bị tháo dỡ thì biệt phủ này đến nay vẫn còn là một vùng cấm, nội bất xuất ngoại bất nhập. Chủ nhân biệt phủ không cho vào thì các lực lượng chức năng của TP Đà Nẵng cũng đành “chịu phép” (?!). Trả lời báo chí, ông Trần Văn Sơn, Đội phó Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, cho biết: “Không riêng gì quận mà đoàn của TP lên kiểm tra cũng bị đóng cửa, không vào được”. Một sự thực cười không nổi. Chính quyền TP đành bất lực trước đại gia sao?
Nhưng không chỉ ở Đà Nẵng, người dân không khỏi ray rứt khi chứng kiến hàng trăm biệt thự, nhà vườn… hạng sang được xây lụi ngay trong rừng phòng hộ Sóc Sơn, TP Hà Nội. Suốt một thời gian dài, khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn dường như trở thành nơi “vô pháp, vô thiên” mặc cho các đại gia ồ ạt xẻ rừng, phô trương biệt phủ và thanh thế.
Hình ảnh bất lực của lực lượng chức năng trước việc các đại gia ồ ạt xây dựng trái phép hàng trăm biệt thự, khu nghỉ dưỡng tại Sóc Sơn và các cán bộ quy tắc TP Đà Nẵng “bó tay” ra về chả khác một sự thách thức của các đại gia trước cả nền công vụ đất nước.
Sở dĩ nói bất lực trước đại gia bởi vì với người dân bình thường điều đó không bao giờ diễn ra. Nó đối nghịch với cảnh tượng những ngôi nhà trái phép của người dân nghèo bị tháo dỡ, cưỡng chế thẳng tay. Điều đó cho thấy cùng một sự việc nhưng cơ quan công quyền dường như có hai tâm thế và việc thực thi pháp luật khác nhau.
Vì sao? Đó là vì ngay từ đầu các cơ quan chính quyền Đà Nẵng và cả Hà Nội đã thiếu kiên quyết trong việc đưa ra quyết định xử lý của mình và giám sát chưa chặt chẽ. Chưa kể có thể có cả việc “cả nể”, “nương tay” trước các đại gia lắm tiền, nhiều “quan hệ” dẫn tới kỷ cương phép nước không nghiêm, luật pháp bị áp dụng theo quy luật của đồng tiền.
Đã đến lúc không thể tiếp tục để kỷ cương phép nước, tính nghiêm minh của luật pháp lại “nặng” với người này “nhẹ” với người kia. Bởi đến khi nào điều đó vẫn còn, chúng ta sẽ lại tiếp tục được nhìn thấy cảnh cán bộ chức năng im lặng ra về vì bất lực trước đại gia.