Theo nghị trình, Quốc hội (QH) dành trọn ngày 29-3 để thảo luận về bốn báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước; của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; của TAND Tối cao và VKSND Tối cao. Tuy nhiên, chương trình đã sớm kết thúc trong buổi sáng khi chỉ có 26 vị đại biểu (ĐB) QH đăng ký phát biểu.
Theo dõi ý kiến của các ĐBQH có thể thấy cử tri đang rất bức xúc về tình trạng tham nhũng, lãng phí và chạy chức, chạy quyền.
“Cử tri nói tốt nhất các ông đừng nói nữa…”
“Cử tri rất bức xúc, thường xuyên kiến nghị Chính phủ quan tâm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp. Gần đây Tổng Bí thư có nêu một khái niệm là chạy luân chuyển... Nhưng chúng ta thiếu một cơ chế, cơ sở để gắn trách nhiệm cho người đứng đầu trong quá trình xử lý. Chính vì thế câu hỏi “chạy ai, ai chạy?” chúng ta chưa trả lời được” - ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nói.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương ví von “nước trong không có cá, người trong sạch không ai chơi” và cho rằng nạn chạy chức, chạy quyền tạo ra nhiều bất công và còn “đẻ” ra tham nhũng.
“Họ mua chức xong thì phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật thị trường. Nhiều người cứ nói đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Nhạy cảm, phức tạp thì càng phải làm, bởi vấn nạn này đe dọa đến sự tồn vong của chế độ” - ông Đương nói thêm.
Theo ông Đương, nếu cứ chỉ ban hành nhiều nghị quyết có khi lại kích thích cho virus tham nhũng phát triển. “Tôi đã nhiều lần đề nghị đưa tội mua bán chức quyền vào BLHS nhưng chưa được chấp nhận. Cử tri nói các ông nói nhiều quá mà không xoay chuyển được tình hình, tốt nhất các ông đừng nói nữa” - cả hội trường bỗng chốc ồn ào sau phát biểu này của ĐB Đương.
ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt vấn đề: “Cử tri nói với tôi, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước khi tiếp xúc cử tri, đi làm việc ở các địa phương luôn thể hiện thái độ căm ghét những kẻ tham nhũng. Tuy nhiên, cử tri lại hỏi không biết chủ tịch nước, phó chủ tịch nước đứng ở vị trí nào? Có quyền hạn gì trong trận chiến đấu tranh chống lại tham nhũng?”.
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương: “Họ mua chức xong thì phải vơ vét mới đủ bù chi phí đã bỏ ra. Đấy là quy luật thị trường”. Ảnh:QH
Bộ máy ngày càng phình to
Đánh giá về nhiệm kỳ hoạt động của Chính phủ, ông Đỗ Văn Đương cho rằng với cơ chế, thể chế chằng chịt, nhiều mối quan hệ như hiện nay thì không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ về những mặt còn hạn chế. “Tại sao bộ máy nhà nước và biên chế, kể cả các tổ chức đoàn thể hoạt động bằng ngân sách nhà nước, không giảm mà cứ phình ra? Do chính luật tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước mà QH chúng ta ban hành sinh ra nhiều bộ máy” - ông Đương chỉ rõ.
Ông Đương dẫn chứng, Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành ước tính đã tăng thêm 22.000 biên chế hoạt động ở HĐND các cấp. Cạnh đó là nguyên nhân trong tổ chức thực hiện. “Theo báo cáo hằng năm của các cơ quan bộ, ngành địa phương, chỉ có 1% là cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ, thế thì giảm sao được. Trong khi dư luận râm ran có tới 1/3 số cán bộ không làm được việc, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.
Từ phân tích này, ông Đương đề xuất cần quyết liệt cắt giảm bộ máy bằng luật pháp; nhất thể hóa một số chức danh giữa Đảng và chính quyền; giảm bớt các tổ chức đoàn thể, nhất là các tổ chức hoạt động bằng ngân sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng đề nghị nhiệm kỳ tới Chính phủ cần mạnh mẽ tinh giản bộ máy quản lý và đội ngũ công chức trên cơ sở ngân sách do QH quyết định. “Sắp xếp bộ máy trên cơ sở ngân sách do QH quyết định khác với việc chúng ta cứ đẻ ra bộ máy rồi QH phải chạy theo quyết định ngân sách nuôi bộ máy, đội ngũ viên chức, công chức đấy” - ông Phúc nói.
ĐỨC MINH
Hôm nay, Quốc hội bỏ phiếu kín miễn nhiệm chủ tịch Quốc hội
Theo chương trình làm việc, từ sáng 30-3, QH sẽ bắt đầu thảo luận về công tác nhân sự cấp cao (ba chức danh chủ tịch QH, chủ tịch nước và thủ tướng Chính phủ).
Chiều 30-3, QH sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc miễn nhiệm chủ tịch QH và chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ QH trình bày tờ trình về dự kiến nhân sự để QH bầu chủ tịch QH, chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.
Sáng 31-3, QH sẽ biểu quyết thông qua danh sách bầu chủ tịch QH và tiến hành bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín. Khi có kết quả, tân chủ tịch QH sẽ tuyên thệ. Cũng trong ngày 31-3, QH sẽ miễn nhiệm chủ tịch nước và thảo luận về dự kiến nhân sự bầu chủ tịch nước.
Sáng 2-4, QH bỏ phiếu kín bầu chủ tịch nước, công bố kết quả và chủ tịch nước sẽ tuyên thệ nhậm chức. Các ngày sau đó, QH sẽ tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cao cấp khác như phó chủ tịch QH, phó chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Mạnh dạn kỷ luật, thay thế bộ trưởng, chủ tịch tỉnh sai phạm Cử tri đề nghị Chính phủ tới đây cần phải cải cách cách thức điều hành. Thủ tướng Chính phủ phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, các chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, không đợi hết nhiệm kỳ, chấm dứt tình trạng “trên bảo dưới làm lơ” trong hành pháp. ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Thiếu sót nhất là thất thoát, lãng phí Trong quản lý kinh tế, tôi cho rằng hạn chế thiếu sót lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua chính là sự thất thoát, lãng phí. Đầu tư vào làng sinh viên ở Lâm Đồng hàng ngàn tỉ đồng rồi chỉ có một sinh viên. Đầu tư vào đường sắt du lịch ở Quảng Ninh 1.000 tỉ đồng, một ngày chỉ bán được một vé du lịch. Hay các nhà thi đấu thì mỗi địa phương một cái, bỏ ra từ vài ba trăm tỉ đồng tới ngót nghét ngàn tỉ đồng nhưng mỗi một năm chỉ sử dụng được có vài ngày. ĐBQH PHẠM XUÂN THƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tư pháp |