Lộ trình 104 km tại Asiad lần này được giới chuyên môn đánh giá rất khó, tính hỗn hợp cao dành cho các tay đua mạnh đều về đường trường lẫn đường đèo, dốc. Đặc biệt ở những đoạn đường đèo có độ dốc cao 15%-17% thực sự là một thử thách vượt tầm đối với cuarơ thiên về nước rút như Nguyễn Thị Thật.
Đoàn đua xuất phát nội dung đường trường nữ.
Tay đua Funchianty (Indonesia) bứt tốp một mình một ngựa 40 km đầu.
Đoàn đông phía sau ung dung rượt đuổi.
Dự tranh nội dung này, tổng cộng có 21 VĐV thuộc 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia tranh tài. Tuyển xe đạp nữ Việt Nam ngoài Nguyễn Thị Thật, tay đua Nguyễn Thị Thi nhận nhiệm vụ hỗ trợ đưa đồng đội vào vị trí thích hợp tung nước rút.
Suốt lộ trình gần 100 km đầu, Nguyễn Thị Thật thi đấu rất kiên cường. Cô liên tục bám sát các đối thủ, kể cả khi vào đường đèo rồi bị các đối thủ tấn công liên tục. Thật cũng là tay đua Đông Nam Á duy nhất đeo bám được các đối thủ mạnh của châu lục.
Thế nhưng khi vào 5 km cuối - vị trí có đoạn dốc gắt nhất lộ trình, Thật không đủ sức đeo bám và rơi lại ở nhóm sau. Nguyễn Thị Thật bất lực, cán mức sau tay đua giành HCV 1’48”, kết thúc hành trình ở hạng 5 chung cuộc.
Vào đoạn 5 km cuối lộ trình, Nguyễn Thị Thật không đủ sức chinh phục dốc cao và rơi lại phía sau.
Cô về đích vị trí thứ 5 chung cuộc.
Chiến thắng vinh danh sức bền tuyệt vời của tay đua Hàn Quốc Na Ahreum. Ảnh: PHẠM HUY
Cũng ở đoạn tấn công 5 km cuối, tay đua Na Ahreum (Hàn Quốc) bứt tốc, bỏ lại các đối thủ Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc, xuất sắc cán mức đến đầu tiên sau 2 giờ 55’47'', qua đó đoạt chức vô địch. Cuộc so kè nước rút quyết liệt tại mức đến giúp Pu Jixian (Trung Quốc) qua mặt Yonamine Eri (Nhật Bản) nửa vòng xe, đoạt HCB. 2’53” sau VĐV về đầu, Nguyễn Thị Thi cán mức đến xếp hạng 11 chung cuộc.
Trong sự nghiệp lẫy lừng của mình, tay đua 28 tuổi Na Ahreum từng vô địch đua tính điểm châu Á (2011), vô địch nội dung cá nhân tính giờ Asiad 17 (2014), vô địch châu Á nội dung cá nhân tính giờ các năm 2012, 2014, 2015; vô địch đường trường châu Á 2016.