Cuộc đua tổng thống Iran đang đến hồi nước rút trước ngày bầu cử 19-5. Đây là cuộc đua gay cấn giữa hai phái cải cách và bảo thủ. Chỉ cách đây vài ngày đây còn là cuộc đua giữa ba bên: Đương kim Tổng thống Hassan Rouhani theo chủ trương cải cách, hai ứng cử viên Ebrahim Raisi và Mohammad Ghalibaf theo phái bảo thủ.
Tổng thống Rouhani học ở Anh, có bằng tiến sĩ ở ĐH Glasgow Caledonian, từng là chủ tịch Hội đồng An ninh Tối cao Iran, từng dẫn đầu đoàn đàm phán hạt nhân Iran. Ông Rouhani được biết đến với chủ trương ủng hộ tự do xã hội và bảo vệ nhân quyền, được xem là thế hệ chính khách đầu tiên ở Iran có cái nhìn tích cực về phương Tây.
Người ủng hộ đương kim Tổng thống Iran Rouhani tuần hành tại Tehran ngày 13-5. Ảnh: EPA
Ông Raisi là một luật gia và ủy viên công tố. Ông Ghalibaf hiện là đương kim thị trưởng Tehran, từng là một tư lệnh trong lực lượng Vệ binh Cách mạng và là giám đốc cảnh sát quốc gia. Vài ngày trước ông Ghalibaf từng là đối thủ chính của ông Raisi, đã quyết định từ bỏ cuộc đua và quay sang ủng hộ ông Raisi.
Phe cải cách xuống dốc
Năm 2013, với hơn 50% phiếu bầu, ông Rouhani chiến thắng ngay ở vòng bỏ phiếu thứ nhất, không cần đến vòng bỏ phiếu thứ hai, cách biệt lớn so với năm đối thủ còn lại. Thành tựu nổi bật của chính phủ ông Rouhani theo chủ trương ôn hòa và cải cách là ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1, nới lỏng trừng phạt quốc tế với Iran.
Tuy nhiên, với thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức thăm dò nhận định ông Rouhani sẽ khó có khả năng giành được 50% phiếu bầu như bốn năm trước, lý do kinh tế Iran vẫn đang trì trệ dù có được nới lỏng trừng phạt.
Vì không có thăm dò chính thức ở Iran nên không dễ dự đoán kết quả bầu cử. Tuy nhiên, từ các thông tin trên mạng xã hội và truyền thông chính thức, các chuyên gia nhận định đây sẽ là một cuộc đua gay cấn, bám sát.
Trước thời điểm ông Ghalibaf bỏ cuộc đua, PGS Foad Izali, nghiên cứu về Mỹ tại ĐH Tehran, nhận định cuộc bầu cử nhiều khả năng sẽ phải tới vòng hai vì tỉ lệ ủng hộ ông Rouhani đang ở dưới mức 50%.
“Các số liệu cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông ấy chỉ ở mức 36%-37%. Vẫn còn 18% chưa quyết định sẽ chọn ai và không có chuyện tất cả họ sẽ chọn ông Rouhani. Các con số này được kết luận chỉ một tuần trước cuộc bầu cử cho thấy có khả năng cuộc bầu cử sẽ chưa có kết quả sau vòng bỏ phiếu thứ nhất” - theo ông Izali. Để có nhận định này, ông Izali cho biết đã phân tích các số liệu không chính thức do một đồng nghiệp tại ĐH Tehran thu thập được.
Một phần lớn người ủng hộ đương kim Tổng thống Iran Rouhani là người trẻ thành thị, tuần hành tại Tehran ngày 9-5. Ảnh: EPA
Thời điểm này hai nhân vật cùng bước vào vòng hai theo các chuyên gia sẽ là ông Rouhani và ông Raisi.
Trong các cuộc vận động và tranh luận qua truyền hình nhiều tuần nay, ba ông Rouhani, Raisi và Ghalibaf - khi chưa từ bỏ cuộc đua - tranh cãi, tấn công nhau dữ dội. Ông Rouhani chỉ trích phía bảo thủ không ủng hộ tự do xã hội, cô lập Iran, đưa Iran vào con đường chiến tranh. Ông Rouhani chỉ trích lực lượng Vệ binh Cách mạng, vốn ủng hộ ông Raisi, đã cố tình hủy hoại thỏa thuận hạt nhân bằng các vụ thử tên lửa đạn đạo gần đây. Ông Rouhani cảnh báo nếu phe bảo thủ một lần nữa nắm quyền thì Iran sẽ chìm vào tình trạng ngột ngạt về an ninh trong nước và căng thẳng với thế giới.
“Nếu được số phiếu lớn từ các bạn, tôi sẽ không ngần ngại hôn tay lãnh đạo Tối cao 10 lần để trả tự do cho tù nhân chính trị” - ông Rouhani nói tại cuộc vận động ngày 15-5.
Một trong số các tù nhân chính trị mà ông Rouhani nói tới là ông Hossain Mousavi, một nhà cải cách từng thua ông Mahmoud Ahmadinejad trong cuộc bầu cử tổng thống 2009. Có cáo buộc rằng cuộc bầu cử này đã được can thiệp theo hướng mang lại chiến thắng cho ông Ahmadinejad. Đã xuất hiện nhiều cuộc biểu tình bạo lực sau cuộc bầu cử này và ông Mousavi bị quản thúc tại gia, cấm tham gia chính trị từ đó.
“Tôi nghĩ ông Rouhani sẽ làm được điều khác biệt. Thời gian bốn năm chưa đủ để ông làm được điều ông muốn làm. Ông ấy cần thêm thời gian” - sinh viên báo chí 19 tuổi Layla Daryafarghi nói tại cuộc vận động ngày 15-5 của ông Rouhani. Cô Daryafarghi mới chỉ 11 tuổi thời điểm 2009, cho biết cô chọn ông Rouhani vì ủng hộ tự do cũng như nhân vật cải cách đang bị quản thúc Mousavi và cả vị cựu Tổng thống cải cách Mohammad Khatami giai đoạn 1997-2005.
Trong khi phe bảo thủ dần thắng thế
Về phần mình, hai ông Raisi và Ghalibaf cáo buộc ông Rouhani không thực hiện các lời hứa khi ký thỏa thuận hạt nhân. Theo họ, phần lớn người dân Iran vẫn không cảm nhận được lợi ích kinh tế mà ông Rouhani đã hứa khi thỏa thuận được ký.
Trong khi phần lớn người ủng hộ ông Rouhani là giới trẻ và là dân thành thị thì phần lớn người ủng hộ ông Raisi thuộc lớp người đứng tuổi và bình dân. Ông Raisi được sự ủng hộ của rất nhiều lãnh đạo tôn giáo. Nhiều người ủng hộ cho rằng ông Raisi quan tâm đến bộ phận người nghèo hơn ông Rouhani và là người duy nhất có thể trị được nạn tham nhũng lan tràn ở Iran.
Ứng viên bảo thủ Ebrahim Raisi (giữa) và Thị trưởng Tehran Mohammad Bagher Ghalibaf (phía sau) cùng vận động tại đền thờ Imam Khomeini ở thủ đô Tehran ngày 16-5. Ảnh: AFP
Hy vọng chiến thắng của ông Raisi tăng lên sau khi có sự ủng hộ của ông Ghalibaf. Ông Ghalibaf thậm chí có mặt trên sân khấu cùng tham gia buổi vận động cuối cùng của ông Raisi tối 16-5, tại một đền thờ lớn ở thủ đô Tehran. Sự hợp tác của cả hai là nguyên nhân chính khiến số người ủng hộ đến dự buổi vận động quá đông - hơn 15.000 người, hàng ngàn người không vào được bên trong đền thờ phải theo dõi hình ảnh cuộc vận động từ một màn hình lớn bên ngoài. Từ điều này có thể thấy khả năng ông Ghalibaf sẽ thu thập được phần lớn số phiếu ủng hộ ông Raisi.