Ông Phạm Duy Thái, Giám đốc Công ty CP Naoods, cho biết đã xuất khẩu lô chanh dây đầu tiên sang Pháp, mở thêm triển vọng thị trường cho sản phẩm này khi các đối thủ cạnh tranh từ Ecuado và Peru dự báo ngày càng giảm do ảnh hưởng nặng từ hiện tượng El Nino.
Công ty CP Nafoods đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chanh dây gắn với nhà máy chế biến tại Gia Lai với diện tích 3.000 ha UBND tỉnh này cũng đã phê duyệt 3 dự án thúc đẩy phát triển chanh dây, gồm dự án xây dựng Viện Nghiên cứu giống cây trồng công nghệ cao, Nhà máy phân tách, phân loại, đóng gói, bảo quản hoa quả xuất khẩu và dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đại diện Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cũng cho biết công ty cũng đang đẩy mạnh trồng chanh dây tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, diện tích chanh leo của HNG tính đến cuối năm 2017 đạt 1.270 ha. Mặc dù đã chuyển đổi một số diện tích chanh dây sang cây khác như ớt hoặc xoài…, nhưng theo kế hoạch của DN này, dự kiến trồng mới khoảng 300 - 500 ha trong năm 2018.
Theo HNG, sản lượng bình quân đạt 45-50 tấn/ha, trong đó hơn 70% đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây tươi, còn lại xuất bán theo dạng múc ruột cấp đông. Chanh dây tươi hiện được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, châu Âu và Thái Lan.
Chanh dây tươi chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu và Trung Quốc.
Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La thông tin cây chanh leo được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh từ giữa năm 2015. Đến nay, tổng diện tích chanh leo toàn tỉnh là 523 ha, sản lượng ước đạt 3.165 tấn.
Dự kiến, năm 2018 tỉnh xuất khẩu khoảng 500 tấn chanh leo sang Trung Quốc. Số lượng này sẽ tăng lên 550 tấn năm 2019 và khoảng 600 tấn vào năm 2020.