Bầu Kiên đề nghị được tự bào chữa thay các luật sư

Ngày 27-5, ngày làm việc thứ bảy của phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đại diện VKSND TP Hà Nội đã đề nghị mức án 30 năm tù cho bốn tội danh mà bầu Kiên bị truy tố. Lời khai của bầu Kiên tại phiên tòa trong phần thẩm vấn để chứng minh bị cáo vô tội được đại diện VKS cho rằng “không có căn cứ để chấp nhận”. “VKSND Tối cao truy tố Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm là hoàn toàn có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật” - đại diện VKS nói.

VKS cho rằng trong các hành vi bị truy tố, bị cáo Kiên đều giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo. Bị cáo đã tạo ra áp lực, sử dụng quyền lực của mình tại ACB để buộc các thành viên trong Thường trực HĐQT phải thực hiện theo ý chí của mình. Các ý kiến của Kiên sau đó đã trở thành nghị quyết của Thường trực HĐQT ACB.

Luật sư: Bầu Kiên không lừa đảo

Trước giờ giải lao trong phiên xử chiều 27-5, bầu Kiên đề nghị các luật sư của mình tạm thời không có ý kiến mà dành quyền cho bị cáo tự bào chữa. Tuy nhiên, đề nghị này không được HĐXX chấp thuận vì không đúng trình tự phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước tòa ngày 27-5. Ảnh: TL

Bào chữa cho bầu Kiên về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư cho rằng không có việc lừa đảo, giao dịch còn đang “sống”, các bên vẫn đang thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. “Tôi không hiểu tại sao, quan hệ pháp luật hình sự nào có thể chen ngang vào việc các doanh nghiệp (DN) đang thực hiện các giao dịch dân sự bình thường. Giả sử có tranh chấp, các bên có thể sử dụng trọng tài hoặc khởi kiện ra tòa chứ không phải là cơ quan công an…” - luật sư nói.

Theo luật sư, tại phiên tòa, ông Mai Văn Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát, thừa nhận đã ký vào giấy đề nghị phong tỏa 20 triệu cổ phần bị thế chấp cùng với ACBI. Tuy nhiên, sau đó ông Hà “quên” không thông báo với hệ thống văn thư nên toàn hệ thống công ty không biết.

“Khi anh đã ký vào giấy xác nhận phong tỏa rồi anh lại nói là “không biết”. Về trách nhiệm pháp luật, anh phải biết. Ông Kiên đương nhiên hiểu rằng với những trình tự, thủ tục thể hiện trên những giao dịch đó thì phía Hòa Phát đã biết và đương nhiên phải biết số cổ phiếu đang được thế chấp tại ACB” - luật sư nói.

Luật sư cho rằng không có vụ án lừa đảo, không có việc bầu Kiên đã thực hiện hành vi gian dối để chiếm đoạt 264 tỉ đồng và đề nghị HĐXX tuyên bầu Kiên không phạm tội lừa đảo.

Góp vốn, mua cổ phần có phải đăng ký kinh doanh?

“Thực tế hiện nay, không có một ai, một DN nào đăng ký được với ngành nghề đầu tư góp vốn, mua cổ phần” - luật sư bào chữa cho bầu Kiên về tội kinh doanh trái phép nói. Theo luật sư, cơ quan điều tra hiện vẫn chưa tìm được mã ngành để xác định ngành kinh doanh góp vốn đầu tư mua cổ phần. DN, người dân có muốn đăng ký cũng không thể được các phòng đăng ký kinh doanh của các tỉnh, thành chấp thuận bởi không thể tìm ra mã ngành, dù là mã ngành kinh tế hay mã ngành kinh doanh.

Trong phần thẩm vấn, đại diện Sở KH&ĐT TP Hà Nội không khẳng định góp vốn, mua cổ phần phải đăng ký kinh doanh. Sở KH&ĐT TP.HCM cho rằng việc góp vốn, mua cổ phần là quyền của DN. Đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng việc này phải hỏi Bộ Tài chính và Bộ Tài chính vẫn chưa trả lời…

Luật sư cũng cho biết một trong bốn luật sư bào chữa cho bầu Kiên đã đi thu thập một số giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhiều DN, tập đoàn kinh tế nhà nước đang hoạt động có góp vốn, đầu tư mua cổ phần ở các DN, ngân hàng nhưng cũng không đăng ký kinh doanh ngành nghề này. “Nếu HĐXX chấp nhận truy tố Nguyễn Đức Kiên tội kinh doanh trái phép thì sau này cơ quan cảnh sát điều tra có thể khởi tố bất kỳ ai thực hiện hành vi mua bán chứng khoán trên thị trường, góp vốn, đầu tư gián tiếp vào DN khác…” - luật sư khẳng định.

Hôm nay phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

ĐỨC MINH

 

Đề nghị mức án của VKS

Bầu Kiên (phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB): 18-24 tháng tù về tội kinh doanh trái phép, phạt tiền 25-30 triệu đồng, tịch thu sung quỹ nhà nước số tiền bị cáo đã sử dụng kinh doanh trái phép; 4-5 năm tù về tội trốn thuế, phạt 2-3 lần số thuế đã trốn; 16-18 năm tù về tội lừa đảo; 14-15 năm tù về tội cố ý làm trái…, cấm bị cáo giữ các chức vụ điều hành tổ chức tín dụng 3-5 năm sau khi mãn hạn tù. Tổng hợp hình phạt 30 năm tù.

Ở nhóm tội cố ý làm trái: Lê Vũ Kỳ (phó chủ tịch HĐQT ACB): 7-8 năm tù; Lý Xuân Hải (tổng giám đốc ACB): 12-14 năm tù; Trịnh Kim Quang (phó chủ tịch HĐQT ACB): 6-7 năm tù; Phạm Trung Cang (phó chủ tịch HĐQT ACB): ba năm tù treo; Huỳnh Quang Tuấn (phó tổng giám đốc ACB): ba năm tù treo.

Ở nhóm tội lừa đảo: Trần Ngọc Thanh (tổng giám đốc ACBI): 9-10 năm tù; Nguyễn Thị Hải Yến (kế toán trưởng ACBI): 7-8 năm tù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm