Tại phiên buổi sáng, Huyền Như đã khai 32 hợp đồng giao dịch chỉ mang tính nguyên tắc, không phát sinh hiệu lực. Các giao dịch sau đó hoàn toàn không tuân thủ theo hợp đồng. Quy trình để ký 32 hợp đồng này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, quy định của VietinBank, thời điểm ký không có dấu hiệu gian dối. Chính vì ACB buông lỏng quản lý mới dẫn đến tình trạng để Như lợi dụng các kẽ hở chiếm đoạt tài sản của ACB.
Viettinbank: Ai phạm tội người đó phải bồi thường
Tại phiên tòa chiều nay, đại diện VietinBank cho rằng: đúng là 32 hợp đồng có dấu của chi nhánh TPHCM “VietinBank khẳng định không chiếm đoạt nên không chịu trách nhiệm về việc mất tiền của ACB. Ai thực hiện hành vi phạm tội thì người đó phải có trách nhiệm bồi thường”- vị này cho biết.
Tòa hỏi quan điểm của đại diện ACB về việc chiếm đoạt của Huỳnh Thị Huyền Như, vị này cho biết: +Có một nội dung quan trọng chưa được thẩm vấn. VietinBank cho rằng ACB lỏng lẻo nên Huyền Như lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt số tiền 718 tỷ, nhưng đây không phải nguyên nhân trực tiếp gây mất tiền chưa được làm rõ. Hành vi trực tiếp là ký giả chữ ký giả của chủ tài khoản và hành vi không kiểm soát, dẫn đến việc không phát hiện được chữ ký giả để Huyền Như rút tiền; hành vi cho vay trên cơ sở bộ hồ sơ thế chấp giả của VietinBank để Huỳnh Thị Huyền Như làm thủ tục vay cũng chưa được làm rõ. Mong HĐXX làm rõ thêm tình tiết này.
-Quan điểm hiện nay của ông là ACB có mất tiền không? Tòa hỏi
+Số tiền 719 tỷ, ACB cho rằng hiện nay yêu cầu của ACB đối với VietinBank về số tiền nói trên chưa được phán quyết bởi một quyết định có hiệu lực. ACB vẫn xem đây là yêu cầu với VietinBank. ACB vẫn đề nghị VietinBank phải chịu trách nhiệm về số tiền này.
Bầu Kiên: Nhân viên mình gây ra, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm.
Trước khi HĐXX chuyển sang thẩm vấn nội dung khác, Nguyễn Đức Kiên đã xin phép có ý kiến:
“Đại diện VietinBank và Huỳnh Thị Huyền Như đã nói sai bản chất sự việc”- bầu Kiên nói. Theo bầu Kiên, sự việc xảy ra như sau: Nhân viên ACB được ACB ủy thác đi gửi tiền không phải điều 106 Luật Tổ chức tín dụng, lúc đó luật này chưa có hiệu lực. Việc ủy thác được thực hiện theo Quyết định 742.
Thứ hai, các nhân viên ACB không giao dịch với cá nhân chị Huyền Như, mà giao dịch với chị Huyền Như - quyền trưởng phòng thuộc Chi nhánh VietinBank TP. HCM. Đây là hành vi được thực hiện giữa các nhân viên ACB (với tư cách là thể nhân) với một tổ chức có đầy đủ thẩm quyền là Chi nhánh VietinBank. Do vậy hợp đồng giữa nhân viên ký với Chi nhánh VietinBank, VietinBank phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Với kinh nghiệm của người hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực NH, tôi thấy rằng, đây là hoạt động tiền gửi của các nhân viên tại VietinBank. VietinBank có trách nhiệm hạch toán theo đúng quy định của NHNN. VietinBank là NH lớn, được quản lý chặt chẽ bởi hệ thống công nghệ thông tin, mọi giao dịch được thể hiện trên sổ cái.
Nếu VietinBank nói không biết thì có một việc rất dễ dàng kiểm tra là đề nghị cơ quan điều tra lấy lại bộ mật mã của VietinBank tại thời điểm VietinBank mở tài khoản giao dịch, các giao dịch được chuyển đổi thế nào, lệnh ra sao… đều được thể hiện ở bộ phần mềm này. Tôi tin rằng không ai ở VietinBank có thể xóa được phần mềm này. Tôi khẳng định tất cả các giao dịch này đều được quản lý của VietinBank biết và chịu trách nhiệm về các giao dịch. VietinBank đừng đánh lận giữa việc chủ tài khoản khi thực thi các giao dịch, nếu để xảy ra sai sót mới phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, các chủ tài khoản đều không thực thi một giao dịch đó, mà các giao dịch đó là giao dịch gian lận do các nhân viên của VietinBank gây ra. Theo quy định, các giao dịch của nhân viên mình gây ra, tổ chức đó phải chịu trách nhiệm".
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục với phần thẩm vấn về việc mua cổ phiếu.
THU NGUYỆT