Giới bóng đá ít gọi ông Thắng là chủ tịch VPF dù ông ngồi vị trí đấy đã sáu năm. Nhiều người vẫn quen với cái tên bầu Thắng, bởi dấu ấn với bóng đá mà ông Võ Quốc Thắng để lại đậm nhất chính là thời gian ông gắn bó với Đồng Tâm Long An.
Bầu Thắng và bầu Đức được xem là hai ông bầu khai sinh ra cuộc cách mạng về bóng đá gắn với các doanh nghiệp. Hai ông là tiền đề cho việc các doanh nghiệp giải thoát cho bóng đá thoát dần khỏi cơ chế bao cấp gắn với các sở TDTT. Điều mà nhiều người vẫn gọi vui là bóng đá quốc doanh.
Cá nhân tôi thích bầu Thắng chỉnh tề ở vị trí ông bầu bóng đá nhiều hơn là ông chủ tịch VPF. Cái ghế chủ tịch VPF mà cuối năm 2011 bầu Thắng chịu ngồi vào vì nể bầu Kiên và nể những người sáng lập ra VPF với cái tên Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Hồi đấy, khi ngồi vào, bầu Thắng hào hứng với hy vọng sẽ làm được nhiều điều lớn lao cho các CLB nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Thế nhưng càng ngồi lâu thì ông bầu này càng thấy rằng rất khó để quẫy cựa một cách tích cực như từng quyết, từng làm ở Đồng Tâm Long An.
Sau sáu năm, bầu Thắng (phải) muốn rút lui sau khi nhiều ông bầu đã rút lui, liệu VPF có thành VFF phẩy? Ảnh: QUANG THẮNG
Nếu ở Đồng Tâm Long An, bầu Thắng nhọc công tìm ông Calisto và cả hai cùng vẽ lộ trình để Đồng Tâm Long An xài ít tiền mà vẫn hiệu quả, vẫn hai lần vô địch cùng ôm siêu cúp, cúp quốc gia bằng con đường thực tế nhất thì ở vị trí chủ tịch VPF, ông Thắng phải nhiều lúc gồng mình ngồi thẳng để không bị “vẹo cột sống”.
Có quá nhiều thứ phải giải quyết ở ngôi nhà VPF mà ông Thắng đứng đầu trong “sổ hộ khẩu”. Đặc biệt là sau khi bầu Kiên vào vòng lao lý vì vụ án kinh tế thì bầu Thắng không khó nhận ra rằng VPF đang dần bị VFF hóa. Cứ nhìn những thay đổi ở danh sách hội đồng quản trị VPF thì sẽ không khó để xác định VPF chạy trên đường ray nào.
Ở vị trí chủ tịch VPF, khoảnh khắc đau nhất của ông Thắng chính là ngồi trên sân Thống Nhất nhìn đội bóng từng là niềm tự hào của mình bỏ cuộc, tẩy chay phản đối trọng tài. Ông đau đớn nhưng không dám rời ghế khi nhìn người em ruột rất lành tính của mình hùng hổ lao vào tranh luận với giám sát, với trọng tài và nhìn đội Long An chìm dần ở mùa giải 2017. Nó khác hẳn với hồi ông làm chủ tịch CLB mà vẫn vui vẻ khi đội rớt hạng cùng lời chúc của bạn bè: “Mừng Đồng Tâm Long An xuống hạng vẻ vang!”.
Sự thăng trầm của một đội bóng mạnh thì vô địch, yếu thì rớt hạng khác rất xa với cảnh ngồi ghế cao mà bất lực khi chứng kiến cuộc chơi tàn nhẫn.
Nhiều khả năng bầu Thắng sẽ rút khỏi chiếc ghế cao nhất ở VPF và ngôi nhà đấy sẽ đối mặt với khuynh hướng VFF đưa người vào để nắm quyền và chi phối. Đến lúc đó thì những người có chuyên môn như Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Viễn hay những người khẳng khái như ông Nguyễn Hồng Thanh sẽ khó có cơ hội để lên tiếng khi trở thành số ít. Con số ít ở những cuộc bỏ phiếu hay góp ý cho đường đi của VPF đúng với tiêu chí ban đầu và vì quyền lợi của các CLB hướng đến sự phát triển tích cực cho bóng đá Việt Nam.
Nếu đại hội VPF sắp tới mà bầu Thắng vẫn kiên quyết rút lui thì có thể những người còn sót lại sẽ rất đuối.
Nhưng cũng nên hiểu cho bầu Thắng khi ông ngồi đấy mà gồng quá thì sẽ đuối và rồi sẽ hòa tan, chứ không giữ được thế riêng như ông chủ ở Đồng Tâm Long An.
Và rồi VPF sẽ là phiên bản 2.0 của VFF như thời VFF tổ chức giải chuyên nghiệp theo kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi.