B.B. King: ‘Ông vua khổng lồ’ của nhạc blues

Lịch sử âm nhạc thế giới chứng kiến rất ít nghệ sĩ có khả năng thay đổi thời cuộc, vừa là bậc thầy sáng tạo và được công chúng kính trọng. Trong nhóm ưu tú nhỏ bé này, B.B. King chỉ đứng sau Louis Armstrong - huyền thoại đưa ra khái niệm nghệ sĩ độc tấu jazz và trở thành bậc thầy cho những thế hệ sau.

Mỗi tay guitar điện trên thế giới đều mắc nợ ông

Chủ nhân của 15 tượng vàng Grammy, được tôn vinh ở Đại sảnh danh vọng Rock and Roll và Blues, B.B. King tên thật là Riley B. King. Cậu thiếu niên đến từ bang Mississippi Riley lần đầu tiên cầm cây guitar trên tay vào năm 12 tuổi. B.B. King chơi nhạc ở các góc phố trước khi đến Memphis, bang Tennessee và sống cùng người anh họ vốn là một tù nhân và nghệ sĩ blues danh tiếng Bukka White.

Năm 1949, B.B. King thuyết phục đài phát thanh duy nhất phục vụ thính giả da màu cho phép ông chơi 10 phút mỗi ngày. Ông bắt đầu biểu diễn dưới nghệ danh “Chàng trai hát blues ở phố Beale (the Beale Street Blues Boy) và sau đó được rút ngắn gọn lại thành “Bee Bee” King và cuối cùng là B.B. King. Chỉ hai năm sau, B.B. King gây tiếng vang với bản cover Three O’Clock Blues và bắt đầu sân khấu mới của cuộc đời. Cuối thập niên 1960, B.B. King mở rộng thêm lượng khán giả trẻ. Đây cũng là thời điểm King cho ra đời bản hit The Thrill Is Gone và trở thành một biểu tượng của nhạc blues ở vùng Deep South. Trong những năm 1980, ông và ban nhạc chơi tới 250 show mỗi năm.

Nhờ Bukka White, B.B. King đã học được cách đồng điệu với guitar. Ban đầu không thể lướt dây, B.B. King bắt chước và tự phát triển lấy độ rung của đàn bằng cách lắc ngón tay vuông góc với cổ. Ông gia cố thêm cho tiếng rung bằng cách phân nhịp và điều khiển nốt nhạc sao cho có hiệu quả nhất, thay vì chơi nhạc một cách cường điệu. Bằng kỹ thuật riêng, B.B. King đã khiến một nhạc cụ điện tử ngân lên tiếng rên, khóc lóc ỉ ôi van xin. Phong cách đặc trưng của ông được rất nhiều nghệ sĩ học hỏi theo như Rolling Stones và The Beatles.

Được tôn kính ông như một nghệ sĩ chuẩn mực, mỗi tay guitar điện tử trên thế giới đều mắc nợ King. “Không ai trong chúng ta sẽ có mặt ở đây nếu không có B.B. King. Ông ấy làm thay đổi cách mà chúng ta lướt những sợi đàn” - nghệ sĩ Buddy Guy nói.

Chỉ khi được B.B. King ôm vào lòng rồi chờ ông mở câu hát, Lucille mới vang lên những nốt nhạc dẫn đường vào trái tim khán giả.

Nhà vua hoàn thiện sứ mệnh

B.B. King luôn khẳng định sẽ còn biểu diễn nếu công chúng vẫn cần ông. Mỗi ca khúc B.B. King cất tiếng, người nghe ngay lập tức được ông truyền cảm xúc, đó có thể là lời khóc não nề, có thể là sự rộn ràng, là lời chia sẻ đầy chân thành. Chẳng cần phải quá điêu luyện về kỹ thuật, tiếng hát B.B. King cùng với nốt nhạc cảm xúc của Lucille mượt mà rót vào tai khán giả, đưa họ chạm đến trái tim. Dù là căn phòng nhỏ hay buổi nhạc quy mô lớn, vua nhạc blues khiến từng người nghe cảm thấy như thể ông đang chơi nhạc cho riêng họ và họ trở thành một phần quan trọng của buổi diễn.

Sau mỗi show diễn, người nghệ sĩ già vẫn ở lại gặp gỡ người hâm mộ cho đến khi kiệt sức hoàn toàn. Nhưng rồi cuối cùng, có vẻ như tâm hồn và thân thể không còn đáp ứng được nhiệm vụ ấy nữa. Bệnh tật (được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường vào năm 1990) và thời gian lấy đi sức khỏe cùng giọng hát của ông. Vài năm gần đây, sức khỏe yếu dần, B.B. King chỉ có thể ngồi một chỗ và cất lên những lời ca, đôi tay vẫn lướt qua sợi đàn một cách chuẩn xác. Năm ngoái, ông vua nhạc blues thậm chí bị khán giả la ó khi không thể hát trọn vẹn trong buổi diễn ở St. Louis.

Ngày B.B. King nằm xuống, giới yêu nhạc than khóc, từ cây guitar Eric Clapton, tay trống Ringo Starr của nhóm Beatles, cho tới Gladys Knight… Quan tài mở của ông được đặt ở nơi công cộng để người hâm mộ có thể đến viếng trước khi B.B. King được chôn cất ở quê nhà. Xung quanh lễ tang công khai, những nghệ sĩ đến chơi các ca khúc gắn liền với tên tuổi B.B. King.

“Tôi không thể không đến. Bạn có thể lỡ viếng Elvis nhưng B.B. King thì không. Chừng nào tôi còn sống, tôi phải có mặt để tiễn đưa B.B. King” - Wan Ali, 45 tuổi đến từ Chicago, khóc thương thần tượng bằng chiếc harmonica của anh. Cụ bà Kathleen Perry ở Las Vegas thì ngậm ngùi: “Dường như chúng ta đang mất dần đi những huyền thoại. Ông ấy đi rồi nhưng âm nhạc sẽ vẫn còn ở lại mãi mãi”.

Trong những giờ phút đau buồn vì B.B. King qua đời, người hâm mộ và giới yêu nhạc không thể không dành sự lo lắng đến Lucille, cây đàn sẽ không còn được chủ nhân lướt trên tay nữa. Nó có thể sẽ được gia đình ông giữ lại hoặc trưng bày ở một bảo tàng, một bộ sưu tập cá nhân… điều này vẫn còn là bí ẩn.

Cây guitar Lucille - nữ hoàng bên cạnh nhà vua

Có rất nhiều nghệ sĩ trân trọng nhạc cụ bên mình, tuy nhiên chỉ một số ít kết nối sâu sắc với cây đàn họ mang theo như B.B. King. Nhắc đến B.B. King, không thể bỏ qua Lucille - cây guitar hiệu Gibson ES-355 ông mang theo hơn 60 năm, cũng giống như nhà vua phải có nữ hoàng bên cạnh. Cái tên Lucille được B.B. King đặt theo tên một người phụ nữ từng là nguyên nhân khiến một nhóm đàn ông gây gổ trong một buổi diễn của ông. B.B. King đã viết một ca khúc dài 10 phút để nói về nàng thơ này trong album cùng tên năm 1968.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm