Ngày 18-6, Công ty First News đã tổ chức buổi họp báo công bố bằng chứng kinh doanh tiêu thụ sách giả vi phạm pháp luật trên một số sàn điện tử.
Cuộc họp báo do Công ty sách Trí Việt - First News tổ chức với sự tham gia của Hội Xuất bản Việt Nam, Hội Sở hữu trí tuệ, các công ty luật và đông đảo các công ty làm sách, phát hành sách tại TP.HCM.
Một đầu sách ăn khách bị 16 nơi làm giả
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, bày tỏ quan điểm: Sách giả hiện nay đã đạt đến trình độ gần như sách thật mà chỉ có những người làm nghề xuất bản lâu năm mới có thể phát hiện ra. Ông Phước cho hay First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, làm giả.
Đơn cử một đầu sách Đắc nhân tâm nhưng đã bị 16 nơi in lậu, làm giả, thậm chí để giá bán cao hơn sách thật nhằm đánh lừa người mua.
Để chứng minh điều này, giám đốc First New cho biết công ty đã phải đặt 128 đơn hàng mua sách ngẫu nhiên từ tất cả sàn, công ty thương mại điện tử (TMĐT) bán sách online; quay video từ khâu đặt sách đến khi nhận hàng và không mở các bao sách được giao mà mời các công ty thừa phát lại đến tiến hành mở bao hàng và lập vi bằng. Kết quả, 128 đơn hàng ngẫu nhiên đều là sách in lậu và sách giả.
“First News đã chọn ba công ty bán sách online có số lần vi phạm phân phối sách giả tiếp tay in lậu nhiều nhất là Lazada, Sendo và Shopee để công bố đích danh” - ông Phước khẳng định.
Ông cũng cho biết thêm: “First News đã phát hiện các sàn TMĐT bán sách giả từ khá lâu, đã gửi cảnh báo nhiều lần đến tất cả sàn nhưng dường như không được quan tâm. Các sàn này phản hồi rằng chỉ cho thuê cửa hàng và không chịu trách nhiệm ai bán sách giả hay bất cứ hàng hóa giả khác”.
Cùng nỗi băn khoăn về vấn nạn sách giả, đại diện Công ty Fahasa cũng phản ánh: Nếu như trước đây sách giả chỉ được bán tại một số cửa hàng cố định thì hiện nay độc giả mua nhầm rất nhiều trên các trang TMĐT có thương hiệu. Việc này gây ra nhiều thiệt hại cho Fahasa và các công ty xuất bản.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam, cho biết cần phải khẳng định sách giả chứ không thể gọi là sách lậu, lậu là hành vi buôn lậu. Và hành vi in giả và buôn bán sách giả được coi là vi phạm pháp luật hình sự. Do đó cuộc đấu tranh này cần có sự kết hợp giữa nhà xuất bản và đơn vị làm sách, cũng như các cơ quan chức năng và văn phòng luật sư.
Ông Nguyễn Văn Phước bày tỏ bức xúc trước vấn nạn sách giả bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: THU HÀ
Sẽ phối hợp xử lý
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, đại diện trang Sendo cho biết trang này đã thực hiện các hoạt động liên quan đến sự việc một số sản phẩm sách không có bản quyền xuất hiện trên sàn TMĐT Sendo bằng cách tăng cường rà soát chặt chẽ các sản phẩm thuộc ngành hàng này. Phía Sendo sẵn sàng hợp tác chặt chẽ cùng các cơ quan hữu quan, báo đài cũng như các doanh nghiệp có liên quan để phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời tất cả hành vi vi phạm của người bán.
Đại diện trang TMĐT Shopee cũng khẳng định họ sẽ có các biện pháp xử lý cứng rắn khi phát hiện hoặc nhận được bất kỳ phản ánh có căn cứ xác thực đối với bất kỳ hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn TMĐT Shopee, nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh chân chính. Trong một số trường hợp, Shopee yêu cầu người bán cung cấp thông tin, tài liệu chứng minh sản phẩm đăng bán là hợp lệ. Nếu người bán không cung cấp được tài liệu theo yêu cầu, Shopee sẽ khóa hẳn sản phẩm. Trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng, Shopee sẽ tiến hành khóa tài khoản. Liên quan đến thông tin First News cho biết đã gửi cảnh báo đến các sàn TMĐT về việc nhiều gian hàng bán sách giả nhưng bị sàn ngó lơ, “chúng tôi đã rà soát nội bộ và ghi nhận rằng đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông báo nào từ First News dưới hình thức bằng văn bản hay bất kỳ hình thức khác” - đại diện Shopee cho hay.
Người đại diện trang TMĐT Lazada cũng cho biết tính tới thời điểm này họ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ First News cũng như chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào liên quan đến vấn đề này. Theo quy trình xử lý khiếu nại của Lazada, doanh nghiệp sở hữu tác quyền có thể liên hệ với Lazada và theo đó, họ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này làm việc với người vi phạm tác quyền (nếu có) để xử lý vụ việc. Theo họ, các cáo buộc về hàng giả hay vi phạm tác quyền cần được dựa trên kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường xử lý Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết quy định về hoạt động TMĐT đã nêu rõ trách nhiệm của sàn TMĐT trong việc để xảy ra hoạt động bán hàng lậu, hàng giả. Theo đó, tùy mức độ, sàn TMĐT phải có biện pháp gỡ bỏ, khóa tài khoản... đối với các gian hàng sai phạm. Về phía quản lý thị trường, cơ quan này cũng đã phối hợp với các cơ quan ngành văn hóa có biện pháp phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ in ấn sách lậu. ---------------------- Thực sự, cơ sở pháp lý để xử lý các sàn TMĐT kia rất khó bởi họ chỉ là đơn vị trung gian: Tạo ra “chợ” và tạo ra cơ sở để thanh toán và giao hàng, trên thực tế họ không có hàng. Nếu các gian hàng TMĐT này họ lưu trữ hàng thì mới xem xét và xử lý được. Luật sư PHAN VŨ TUẤN, Phó chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ TP.HCM |