Bởi lẽ về mặt lý thuyết người dân vừa là người sáng tạo ra lễ hội, đồng thời cũng là chủ thể tham gia vào lễ hội. Tuy nhiên, đêm khai ấn đền Trần (Nam Định) ở phần lễ người dân đã hoàn toàn bị cách ly ra khỏi khu vực hành lễ. Những người có mặt để thực hiện các nghi lễ đêm khai ấn chủ yếu là những chức sắc nhà đền, quan chức trung ương và địa phương… Như vậy người dân, chủ thể của văn hóa đã không có cơ hội được chứng kiến một trong hai yếu tố quan trọng cấu thành lễ hội đó là phần lễ.
Còn về phần hội, khó có thể tìm ở lễ khai ấn đền Trần những gì được coi là phần hội gắn với yếu tố dân gian. Nhìn hàng vạn người chen chân nhau cố dồn về phía trước, nơi có một hàng rào sắt chắn ngang trước cổng vào đền, được bao bọc bởi một lực lượng an ninh hùng hậu, khó có thể hình dung ra đây là một lễ hội dân gian, thuộc về nhân dân.
Tại lễ khai ấn đền Trần năn nay, toàn bộ người dân phải ở ngoài khu vực hành lễ. Ảnh: Đ.Trung – V.Thịnh
Khó có thể trách ban tổ chức trong chuyện này. Bởi lẽ với diện tích hạn chế trước một số lượng đông đảo người dân có mặt, nếu thả cửa cho tất cả cùng vào thì việc đảm bảo an ninh cho lễ hội là việc bất khả thi. Thế nhưng qua đó cũng cho thấy một bi kịch của lễ hội khi buộc phải “đối phó” với chính chủ thể của mình.
Một trong những yếu tố làm nên sức hút của lễ hội dân gian đầu năm chính là sự thanh tịnh trong suy nghĩ, người đến với lễ hội thường có tâm thế thảnh thơi, hành lễ với tâm thức thành tâm nhẹ nhàng. Nhưng điều đó khó có thể tìm thấy ở dòng người chen chúc nhau trong ngày khai ấn, khó có thể tìm thấy trên đôi mắt mệt mỏi của những bà, những mẹ, những chị, càng khó có thể tìm thấy ở những nam thanh nữ tú liên tục hò hét, kích động người phía trước lao đến hàng rào, gây áp lực cho lực lượng an ninh để thừa cơ trèo qua.
VIẾT THỊNH