Phát biểu tại buổi làm việc với Quận ủy Ngũ Hành Sơn sáng nay (10-1), ông Lê Quang Nam (Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) cho hay quận Ngũ Hành Sơn có 12 km bờ biển nhưng đến 33 dự án du lịch.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng.
Đặc thù hầu hết dự án giao đất trước năm 2006. Người dân muốn ra biển bị ngăn cách. Bộ TN&MT đã kiểm tra 15 dự án, Sở kiểm tra chín dự án. Giờ còn bốn dự án chưa tiến hành gia hạn.
Giao đất không đồng nghĩa giao bờ biển
Theo ông Trương Quang Nghĩa, những dự án chậm triển khai là cơ hội để sửa sai. Không phải chờ gia hạn xong hai năm sau mới điều chỉnh thì muộn hết. Giao đất đồng nghĩa với giao cả bờ biển thì hỏng. Mỗi dự án khi đề nghị gia hạn thì UBND TP đều phải báo cáo với Ban Thường vụ.
Bí thư Đà Nẵng cho hay: Vừa rồi Thường trực cũng đã nêu yêu cầu với UBND TP, đó là sẽ lên đề án làm đường đi bộ và xe đạp ven biển. Và bờ biển phải là của chung, cộng đồng chứ không phải của một resort nào hết.
Sở Xây dựng sớm vạch lại cái ý đó. Chúng ta sẽ có một con đường khoảng 3-5 m chỉ để phục vụ cho người đi bộ dạo mát, tắm biển và đi xe đạp thôi. Đối với các đường xuống biển, các bãi tắm đề nghị quan tâm, đầu tư cho bài bản.
Giữ lại đất công
Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Nho Trung (Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng), quận Ngũ Hành Sơn còn thừa 5.000 lô đất trong tổng số 15.000 lô của toàn TP. Về quản lý dân cư, quan trọng người ta lo lắng đây là phố Trung Quốc. "Nhưng mình đã mở ra thì không thể nói phân biệt. Vấn đề là quản lý tăng cường cho tốt. Chứ không phân biệt đối tượng nào" - ông nói.
Ông Trương Quang Nghĩa nêu quan điểm: Các dự án đất công cần giữ lại một cách chặt chẽ và không nóng vội. Còn tí nào thì nó là của để dành. Phải làm ra hướng tiếp cận như vậy.
Về đề xuất mở rộng đường Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp, ông Nghĩa cho rằng không dễ gì mở được nữa nhưng cần tổ chức giao thông cho bài bản. Nếu đi từ Đà Nẵng - Hội An thì chúng ta có hai tuyến. Tuyến đường biển và đường Lê Văn Hiến. Đi tuyến ngắn thì có các đường phía trong.
“Nhưng cần quan tâm tới việc đi bộ qua đường, làm sao chấn chỉnh được cái này. Các hầm từ bên này đi sang, đề nghị đưa ra một số giải pháp. Một là hầm đi sang, hai là cầu vượt. Mà cái hầm thì theo tôi nghĩ chúng ta có thể huy động các nhà đầu tư vào. Người ta có thể kinh doanh, bán hàng phía dưới” - ông Nghĩa nói.
Theo ông Nghĩa, làm sao từ nay đến năm 2020 đề ra cái là không còn người đi bộ qua đường nữa thì mới an toàn, mới đẹp được. "Tôi nói chỉ một thời gian ngắn nữa thôi thì các hầm đi bộ là các dự án vàng. Vì chúng ta còn đất nữa đâu?..." - ông nói.
Tăng cường phân cấp quản lý
Bí thư Trương Quang Nghĩa cho hay tới đây, chủ trương của Thành ủy là tăng cường phân cấp, phân cấp là thước đo của năng lực quản lý của người được phân cấp và người phân cấp. “Chắc là quá trình phát triển đô thị hóa của Ngũ Hành Sơn cũng giống các địa phương khác thôi, cũng gắn vào con người quản lý đô thị. Ngũ Hành Sơn là một trong những quận phát triển nóng của TP trong thời gian qua. Nóng như vậy mà chúng ta giữ được nhịp độ thì tôi nghĩ rằng sự quyết tâm và ủng hộ của người dân rất lớn. Cải cách hành chính so với các quận chúng ta đứng nhất, ứng dụng công nghệ thông tin" - ông nói. |