Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk không ủy quyền cho các chức danh khác tiếp công dân

(PLO)- Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại, tiếp dân chứ không ủy quyền cho các chức danh khác.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 24-11, nguồn tin của PLO cho biết Tỉnh ủy Đắk Lắk mới ban hành quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp, đối thoại, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Bí thư Tỉnh ủy.jpg
Trụ sở tiếp công dân tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: VŨ LONG

Theo đó, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, Bí thư Tỉnh ủy sẽ tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân của tỉnh Đắk Lắk, số 32 - đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột và địa điểm khác khi cần thiết.

Nếu ngày tiếp công dân trùng vào ngày nghỉ, lễ, tết thì việc tiếp dân được chuyển sang ngày làm việc tiếp theo. Trường hợp không thể tiếp đúng định kỳ thì Văn phòng Tỉnh ủy có trách nhiệm thông báo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan, đồng thời tham mưu tổ chức tiếp dân, đối thoại với dân vào thời gian gần nhất.

Chủ trì tiếp công dân là Bí thư Tỉnh ủy. Ngoài ra, còn có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Ban Tiếp công dân của tỉnh; một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan. Tùy theo tình hình, thành phần cụ thể do Bí thư Tỉnh ủy quyết định.

Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; trực tiếp tiếp dân, đối thoại với dân, không ủy quyền cho các chức danh khác.

Nếu Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND tỉnh hoặc Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thì có thể kết hợp việc tiếp dân của Bí thư Tỉnh ủy với tiếp dân của Chủ tịch HĐND tỉnh hoặc Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chung vào một buổi. Nếu có phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân về nội dung suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý thì tổ chức tiếp riêng với tư cách là Bí thư Tỉnh ủy.

Tiếp dân đột xuất khi có vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau; vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc thẩm quyền của Bí thư Tỉnh ủy, hoặc vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài thì Bí thư Tỉnh ủy nghe công dân trình bày, yêu cầu đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham gia tiếp dân có ý kiến.

Bí thư Tỉnh ủy kết luận, hoặc hướng dẫn, trả lời công dân hoặc giao cho cấp ủy cấp dưới, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra, đôn đốc, xác minh, giải quyết, thông báo kết quả cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Đối với những nội dung đã có căn cứ, rõ ràng, cụ thể thì Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết.

Đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ quan, các ngành, các cấp khác nhau thì Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, yêu cầu cấp ủy cấp dưới hoặc các cơ quan, đơn vị, địa phương, người có thẩm quyền giải quyết nội dung liên quan, báo cáo Bí thư Tỉnh ủy về kết quả giải quyết và thông báo kết quả giải quyết để người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết.

Đối với các trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, thẩm quyền xử lý, giải quyết của Bí thư Tỉnh ủy thì Bí thư Tỉnh ủy giao cho cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn người phản ánh kiến nghị khiếu nại tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đề nghị giải quyết...

Xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức nếu chậm giải quyết phản ánh của người dân

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân được yêu cầu mà không cử người đại diện tham gia tiếp dân, đối thoại với dân do Bí thư Tỉnh ủy chủ trì; không giải quyết, hoặc chậm giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân do Bí thư Tỉnh ủy chuyển đến mà không có văn bản báo cáo, nêu rõ lý do thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân đó sẽ bị xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước nếu lợi dụng việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo để kích động, lôi kéo nhiều người vi phạm pháp luật; xuyên tạc, vu khống, gây mất an ninh, trật tự, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây mất đoàn kết của cơ quan, đơn vị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm