Theo số liệu chính thức mới nhất, gần 35.000 trẻ được thông báo mất tích ở Ấn Độ năm 2011.
Nạn phá bỏ tràn lan các bào thai và trẻ sơ sinh mang giới tính nữ đã được nói tới rất nhiều ở Ấn Độ, nhưng ít được biết đến hơn là thực tế buôn người nhằm vào các cô gái nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt phụ nữ xảy ra trên mọi ngõ ngách của đất nước này.
Rukhsana đang quét nhà thì cảnh sát ập đến. Đôi mắt mở to, cô bé mảnh khảnh này đang đứng giữa phòng trong tay cầm một cây chổi. Các sĩ quan tiến đến hỏi: "Cháu bao nhiêu tuổi? Làm sao cháu đến được đây?".
"Mười bốn", cô bé đáp nhẹ. "Cháu bị bắt cóc".
Nhưng ngay khi em định nói thêm thì một phụ nữ nhảy vào giữa nhóm cảnh sát. "Nó nói dối đấy", bà ta hét lên. "Nó 18 rồi, gần 19. Tôi đã trả tiền cho bố mẹ nó để mua nó đấy".
Khi cảnh sát đưa cô bé ra phía ngõ, người phụ nữ bảo họ đợi đã. Bà ta sấn sổ nhảy tới vừa tháo hoa tai của cô bé vừa nói "Chúng là của tôi".
Một năm trước, Rukhsana mới 13 tuổi và sống cùng bố mẹ và hai em tại một ngôi làng gần khu vực biên giới với Bangladesh. "Cháu từng thích tới trường và chơi đùa với em gái", cô bé nhớ lại. Nhưng một ngày nọ, tuổi thơ của em đã kết thúc ngay trên đường đi học về, khi ba người đàn ông ép em vào một ôtô.
"Họ giơ dao và nói sẽ chặt cháu ra từng mảnh nếu cháu kháng cự", cô bé kể. Và sau một hành trình 3 ngày khiếp hãi trên những chiếc xe hơi, xe buýt và cả tàu hỏa, họ đã tới một ngôi nhà ở bang Haryana thuộc miền bắc Ấn Độ, nơi Rukhsana bị bán cho một gia đình gồm một mẹ và ba con trai.
Trong suốt một năm, em không được phép ra ngoài. Em kể rằng mình đã bị làm nhục, bị đánh đập và liên tục bị người con trai cả của gia đình này cưỡng hiếp. Hắn tự nhận mình là chồng.
"Một lần anh ta nói: "Tao đã mua mày, vì vậy mày hãy làm như tao bảo'. Anh ta và mẹ anh ta đánh đập cháu. Cháu nghĩ cháu sẽ không bao giờ còn được gặp gia đình mình nữa. Ngày nào cháu cũng khóc", cô bé kể.
Có hàng chục nghìn các bé gái biến mất ở Ấn Độ mỗi năm. Các em bị bán làm gái mại dâm, làm nô lệ gia đình, và rất nhiều trường hợp như Rukhsana, bị bán làm vợ ở các bang miền bắc Ấn Độ, nơi chênh lệch giữa nam và nữ rất cao do nạn nạo phá các bào thai giới tính nữ.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc Unicef cho biết, đây là một vấn đề "ngang với diệt chủng" và khoảng 50 triệu phụ nữ đang mất tích ở Ấn Độ do phá phai và giết trẻ em mang giới tính nữ. Chính phủ Ấn Độ phản đối ước tính này, song thực tế cuộc sống ở Haryana rất khó tranh cãi.
"Chúng tôi không có đủ các cô gái ở đây", người phụ nữ mua Rukhsana khóc khi cố gắng thuyết phục cảnh sát hãy cho cô bé ở lại."Có rất nhiều cô gái đến từ Bengal ở đây. Tôi đã phải bỏ tiền ra mua con bé", bà ta than vãn.
Không có thống kê chính thức về số nữ giới bị bán gả làm vợ ở các bang miền bắc Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà hoạt động tin rằng con số này đang gia tăng do cả nhu cầu về phụ nữ ở khu vực miền bắc tương đối giàu có lẫn sự nghèo đói ở các vùng miền khác của Ấn Độ.
"Mỗi nhà ở bắc Ấn Độ đều cảm thấy áp lực, trong mỗi ngôi nhà đều có những người đàn ông trẻ không thể tìm được vợ", trích lời nhà hoạt động xã hội Rishi Kant thuộc tổ chức Shakti Vahini chuyên hợp tác với cảnh sát trong nỗ lực giải cứu các nạn nhân.
Chỉ trong một quận có tên South 24 Pergana thuộc Sunderbans ở Tây Bengal, gần như làng nào cũng có trẻ em mất tích, hầu hết là các bé gái. Theo số liệu chính thức mới nhất, gần 35.000 trẻ được thông báo mất tích ở Ấn Độ năm 2011 - và hơn 11.000 trong số đó là từ Tây Bengal. Cảnh sát ước tính chỉ khoảng 30% số trường hợp được thông báo trên thực tế.
Rukhsana (phải) nói chuyện với cảnh sát về câu chuyện của em.
Tình trạng buôn người lên đến đỉnh điểm ở Sunderbans sau khi một trận bão lớn phá hủy các cánh đồng lúa quanh khu vực 5 năm trước. Hàng nghìn nông dân như Bimal Singh trở nên trắng tay, không còn nguồn thu nhập nào. Vì vậy, cũng như họ, ông Singh nghĩ thật là một tin vui khi người hàng xóm xin được việc làm cho cô con gái 16 tuổi Bisanti của ông ở Delhi.
"Cháu lên tàu. Cháu bảo: Bố ơi, đừng lo cho con. Con sẽ về, mang đủ tiền về để bố gả chồng cho con". Nhưng rồi họ không bao giờ nghe tin tức gì về Bisanti nữa.
"Cảnh sát chẳng làm gì cho chúng tôi cả. Họ đến có một lần, gõ cửa nhà kẻ buôn người nhưng không bắt hắn. Họ không đối xử với tôi tử tế khi tôi tới chỗ họ, vì vậy tôi ngại tới đồn cảnh sát", ông Singh kể.
"Chúng tôi đang tổ chức các trại huấn luyện và các chiến dịch tuyên truyền. Chúng tôi cũng đã tìm ra được nhiều bé gái, từ các khu vực khác nhau trên cả nước. Cuộc chiến vẫn đang tiếp tục".
Sự tồn tại của đơn vị này, theo ông Shankar, chứng tỏ quyết tâm của chính phủ Ấn Độ và các nhà hoạt động nhất trí rằng cảnh sát giờ đây đã nắm rõ vấn đề hơn. Mỗi đồn cảnh sát ở Tây Bengal hiện nay đều có một sĩ quan chống buôn người.
"Nhưng chỉ thay đổi không thì cảnh sát sẽ không giải quyết được vấn đề. Khi chúng tôi cùng với cảnh sát cứu xong một đứa trẻ thì sau đó là gì? Điều chúng tôi cần là một sự phục hồi nhanh chóng. Chúng tôi cần các hệ thống phúc lợi và tư pháp hiệu quả", Rishi Kant đến từ Shakti Vahini nhận xét.
Rishi Kant cho biết, điều thực sự cần đến hiện nay là các phiên tòa nhanh - như phiên xử đang được tiến hành đối với các bị cáo vụ cưỡng hiếp nữ sinh ở Delhi - để khởi tố thủ phạm, khiến chúng gặp nhiều khó khăn hơn khi đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.
Một số người cho rằng, thậm chí cấp bách hơn là sự cần thiết phải thay đổi quan niệm.
Hai tuần sau vụ việc gây chấn động ở Delhi, một nhóm các già làng có ảnh hưởng đã cùng đến một ngôi làng ở Haryana để bàn bạc những gì họ gọi là các vấn đề cấp thiết nhất mà cộng đồng của họ đang phải đối mặt: cưỡng hiếp, phá thai trái phép và luật hôn nhân.
Ở Ấn Độ, vòng tròn lạm dụng vẫn đang tiếp tục.