Sáng 13-4, Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã có cuộc tiếp xúc chuyên đề vấn đề xâm hại tình dục trẻ em với sự tham dự của nhiều tổ chức xã hội và sinh viên trên địa bàn.
Khó phát hiện đối tượng xâm hại
Tại buổi tiếp xúc, ông Trần Công Nguyên (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng) cho biết, hiện nay công tác phòng chống tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn đang diễn ra tương đối tốt.
Tuy nhiên, nếu xảy ra thì không dễ để phát hiện ra những kẻ đã có hành vi này, trừ khi gia đình và bản thân các em tự đứng ra tố cáo đối tượng đó.
“Hiện nay, chúng ta cần giáo dục cho các em học sinh, đặc biệt là các em nữ thế nào là xâm hại tình dục ở các bậc học. Ngoài ra, cũng có chế tài nghiêm khắc hơn để trừng trị những đối tượng có hành vi xâm phạm để những kẻ khác có ý đinh xâm hại thấy đó mà sợ”- ông Nguyên nói thêm.
Đây là cuộc tiếp xúc chuyên đề rất được quan tâm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: N.TRI.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đỗ Thành Nhân cũng cho rằng hiện nay nhà nước đã có nhiều biện pháp để răn đe các đối tượng này. Thế nhưng luật có tốt đến đâu nhưng người thi hành không tốt thì cũng không giải quyết được vấn đề.
Luật sư Nhân nói thêm, nhà nước cần có những cơ chế để bảo vệ cho người tố cáo hay cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ em.
“Người dân còn rất ngại và sợ đến các cơ quan chức năng để tố cáo các đối tượng các hành vi xâm hại tình dục trẻ em vì họ sợ bị trả thù. Như tôi, muốn tố cáo ai thì phải ra nơi vắng vẻ rồi mới dám gọi vì sợ bị trả thù”, luật sư Nhân chia sẻ.
Chỉ biết ôm nhau khóc
Còn đối với bà Trần Thị Ánh, Phó Chủ tịch hội bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em thì hiện nay luật thì nhiều nhưng những người tiến hành tố tụng chưa nghiêm minh khiến những kẻ phạm tội còn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
“Cần phải giáo dục cho các em ngay từ khi còn nhỏ, đa số các em không biết xâm hại tình dục là gì. Tôi có quen 2 em nữ đã từng bị xâm hại tình dục, hiện các em là du học sinh ở nước ngoài. Nhưng, mỗi khi gặp gia đình các em và tôi cứ ôm nhau mà khóc” bà Ánh nói.
Bà Trần Thị Ánh bức xúc luật thì nhều nhưng chưa đủ để loại tội phạm này giảm đi. Ảnh: N.TRI.
Luật sư Đỗ Pháp thì cho hay, giải pháp cụ thể nhất để giảm các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em là ngăn ngừa.
"Nếu để xảy ra thì biện pháp chế tài gì cũng không thể xóa được nỗi đau của bị hại. Nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em từ những người gần trẻ em nhất, thậm chí có những người trong gia đình. Do đó, đề nghị luôn quan tâm, chú ý đến trẻ em, để kịp thời ngăn ngừa những biểu hiện", luật sư Pháp góp ý.
Nhà báo Huỳnh Thị Yến, Phó Chủ tịch CLB Nữ Nhà báo cho rằng, mức án đối với người xâm hại tình dục, hiếp dâm dưới 16 tuổi là rất thấp, không đủ sức răn đe. Đề nghị có Điều luật riêng quy định đối tượng bị xâm hại tình dục tương ứng với độ tuổi trẻ em bị xâm hại.