Giới quan sát không khó vạch trần ý đồ của TQ: (i) Tận dụng đồng thời thử nghiệm các đảo nhân tạo phi pháp do TQ xây dựng từ năm 2013 để thi hành chính sách bắt nạt tất cả các quốc gia ở biển Đông, thậm chí các nước thứ ba như Mỹ và đồng minh; (ii) Duy trì sự hiện diện trong vùng biển đường chín đoạn - vốn đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ năm 2016. Nói cách khác, nếu trước đây TQ chỉ tuyên bố yêu sách đường chín đoạn thì bây giờ, bất chấp cộng đồng quốc tế lên án hành vi phi nghĩa, nước này tiến hành nước cờ hiện thực hóa đường chín đoạn.
Tranh luận ngay lập tức diễn ra: Việt Nam nên kiện TQ ngay lập tức hay là chưa? Một số chuyên gia ở nhóm ủng hộ kiện TQ ngay lập tức. Họ đưa ra ba luận điểm. Một là TQ đã xâm phạm biển Việt Nam nghiêm trọng, kéo dài. Hai là các giải pháp phản đối về ngoại giao, các giải pháp phản ứng quyết liệt trên thực địa, sự tham gia của các nước khác mà thậm chí là Mỹ cho đến nay chưa “ghè chân” được TQ. Cuối cùng, tiền lệ vụ Philippines kiện TQ là một chỉ dấu đắt giá, cho thấy tòa quốc tế, nếu Việt Nam khởi kiện Bắc Kinh, có khả năng sẽ thụ án vụ kiện rất cao và Việt Nam sẽ thắng.
Theo nhóm ủng hộ kiện ngay, việc thắng kiện TQ trong bối cảnh hiện nay sẽ có ý nghĩa lớn về mặt dư luận dẫu cho TQ không chấp nhận tham gia vụ kiện hay thừa nhận phán quyết như vụ Philippines kiện TQ. Tuy nhiên, nhóm ủng hộ cũng lưu ý rằng: Phải chấp nhận và có phương án đối phó với các đòn trả đũa về ngoại giao, kinh tế khả dĩ từ phía TQ. Bắc Kinh chắc chắn sẽ tức giận và ra đòn ngay khi Việt Nam nộp đơn ra tòa cho đến khi tòa có tuyên bố cuối cùng.
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhóm thứ hai, dù cũng ủng hộ việc xem xét kiện TQ nhưng vẫn ưu tiên các giải pháp cấp bách khác, tỏ ra thận trọng hơn. Theo đó, Việt Nam vẫn còn nhiều nước cờ quan trọng cần đi trước khi chính thức khởi kiện TQ tại thời điểm này. Điển hình là việc đánh động cộng đồng quốc tế ở nhiều cấp độ khác nhau, từ các quốc gia khu vực, ASEAN đến Liên Hiệp Quốc. Việt Nam nên vận động các giải pháp thực địa cứng rắn hơn với TQ, như: Vận động Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Trừng phạt biển Đông và biển Hoa Đông; xem xét đề xuất của GS Carl Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) về việc thông báo sẽ bắt giữ các tàu TQ hoạt động trái phép trong vùng biển VN và đề nghị cảnh sát quốc tế (Interpol) truy nã các tàu đó; xem xét các khả năng xin tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) và Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) về việc diễn giải các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực đối với vùng biển VN để tăng cơ sở pháp lý cho VN…
Việc chọn lựa kiện bây giờ (nhóm 1) hay dùng các phương án thay thế cho đến khi “hết cách” và buộc phải khởi kiện (nhóm 2) không phải dễ dàng vì phương án nào cũng có rủi ro và đều phải “trả giá”. Phương án nào cũng được một bộ phận không nhỏ người dân, giới tư vấn chính sách ủng hộ. Vì vậy, việc cấp bách hiện nay là khẩn trương cân nhắc và quyết liệt chọn lựa để theo đuổi lợi ích cốt lõi của quốc gia. Muốn làm được điều đó, việc lên đối sách tuy rất quan trọng nhưng sự quyết tâm cao độ và quyết liệt đi đến cùng của ngành chức năng lẫn công luận trong việc thực hiện đối sách càng quan trọng hơn.