Ngày 4-7, sau khi làm việc với Bộ Công Thương và Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Central Group - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, tuyên bố đã mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp Việt Nam ngay trong ngày. Dự định sau đó nhiều nhất hai tuần, Central Group sẽ tiếp tục làm việc và mở hợp đồng với 100 doanh nghiệp nữa. 50 trong tổng số 200 nhà cung cấp của Big C sẽ bị buộc dừng hợp tác…
Trước thông tin này, một số DN Việt cho biết họ không thấy vui. Một số nhà cung cấp cho biết hôm 4-7 đã nhận được email từ Big C với nội dung: “Chúng tôi hân hạnh được thông báo tới Quý đối tác rằng chúng tôi đã hoàn thành đánh giá sơ bộ tình hình hàng hoá của quý vị. Chúng tôi cũng xin vui mừng thông báo tới quý vị, kể từ ngày 5/7/2019, chúng tôi sẽ mở lại hệ thống đơn đặt hàng (code) như bình thường. Chúng tôi một lần nữa chân thành xin lỗi quý vị về những sự bất tiện trong thời gian này”.
Ông T, một doanh nghiệp cung cấp nhãn hàng riêng cho biết, nhận được thông báo từ Big C với nội dung như trước đó. Cụ thể Big C cho biết hiện đang trong quá trình sắp xếp lại hàng hóa để chuẩn bị cho việc chuyển giao quản lí mảng may mặc Big C sang cho đội ngũ quản lí tập trung từ trụ sở của Tập đoàn. Big C nhận quyết định này dựa trên sự thay đổi chiến lược gần đây từ trụ sở Tập đoàn và do đó chúng tôi xin lỗi quý đối tác về thông báo có phần gấp rút này.
Big C cũng nhân cơ hội này giải thích rằng quyết định tạm ngừng mua hàng được đưa ra khi có những quan ngại cho rằng hàng hóa được cung cấp không đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa Việt Nam.
“Đồng thời chúng tôi cũng muốn nhắc lại là trong bất kỳ công việc hay quyết định nào chúng tôi đều thực hiện tốt trong phạm vi hợp đồng đã kí kết và thỏa thuận chung giữa hai bên”, Big C khẳng định.
Bà T, một doanh nghiệp cung cấp hàng cho Big C cho biết cũng nhận được thông tin tương tự. Theo bà T, việc Big C có động thái thông báo mở code cho các doanh nghiệp cũng không nói lên chuyện gì. Vì siêu thị có mở nhưng không đặt hàng, không có chương trình khuyến mãi thì doanh nghiệp cũng phá sản.
Chẳng hạn, mỗi tháng Big C có bốn - năm chương trình khuyến mãi. Họ sẽ yêu cầu mỗi mã hàng nhà cung cấp sản xuất khoảng 1.000 sản phẩm, mà mỗi nhà cung cấp có cả bốn - năm mã hàng, lượng hàng sản xuất rất lớn, nhà cung cấp sống chủ yếu bằng khuyến mãi chứ không phải hàng bày bán trên kệ.
“Do vậy, siêu thị phải lên chương trình khuyến mãi DN Việt mới bán hàng được. Nhưng với chiến lược mà Big C thông báo cùng với động thái mới đây khi họ chỉ mở code cho nhà cung cấp thì không có hy vọng gì cho các ngành hàng may mặc. Chưa kể kéo theo người lao động thất nghiệp”, bà T. nói.
Bà Dung, một DN may mặc tầm trung cung cấp hàng nhãn riêng và hàng của cơ sở cũng chia sẻ, thông tin Big C nhận mở lại cho 50 nhà cung cấp không thấy hy vọng nhiều lắm. Đây chỉ là hành động mở code nên chưa là gì cả.
Bởi chỉ mở đơn hàng thì chưa nói được gì. Các nhà cung cấp cho siêu thị đều sống nhờ chương trình khuyến mãi, được đăng trên các catalogue của Big C. Nếu Big C chỉ mở đơn hàng theo đúng cam kết trong hợp đồng đã lỡ ký chứ không cho chạy khuyến mãi thì số lượng hàng tồn kho được giải quyết cũng không nhiều.
Theo bà Dung, giá trị lượng hàng tồn hiện nay còn nhiều. Hiện tại, giá trị hàng tồn kho của các nhà cung cấp lớn có thể lên đến 20-30 tỉ đồng, các nhà cung cấp nhỏ hơn khoảng 5-10 tỉ đồng.
“Đây là điều tôi sợ nếu mở code mà không được chạy khuyến mãi để chạy hàng tồn thì rất khó khăn”, bà Dung nói.
Hàng may mặc bán tại hệ thống siêu thị Big C. Ảnh:Tú Uyên
Trong khi đó, bà Hương, một nhà cung cấp đã được kí hợp đồng năm 2019 với Big C phân tích: Cần hiểu rõ việc các nhà cung cấp đã được kí hay chưa được kí hợp đồng cũng không khác gì. Động thái này của Big C là chỉ mở code để đặt hàng nhưng siêu thị có đặt hàng không mới là vấn đề quan trọng.
“Chẳng hạn tôi là nhà cung cấp có cả 100 mã hàng. Họ mở hết nhưng có đặt không hay hàng mình vẫn trong kho, hay ra đến siêu thị vẫn không vào được. Do đó, siêu thị mở code nhưng nhà cung cấp vẫn phải chờ tiếp”, bà Hương kể.
Các nhà cung cấp cho biết, sự phản ứng của họ là chưa có tiền lệ trong 20 năm hợp tác. Hiện nay nhà cung cấp mong muốn nếu Big C không muốn hợp tác nữa thì cần có lộ trình cho DN để giải phóng tồn những hàng hóa đã lở sản xuất, không nhập nguyên vật liệu cũng như để công nhân có thời gian tìm việc khác.
Thực tế có những nhà cung cấp lớn mỗi năm cung ứng cho Big C vài chục tỉ đồng. Nếu họ muốn loại nhà cung cấp Việt để lấp vào các nhà cung cấp của Thái Lan cũng rất dễ dàng.
Ông L cho biết, Big C thông báo với các nhà cung cấp khác về việc mở code lại cũng không biết thế nào. Nếu siêu thị cố tình không muốn làm việc với nhà cung cấp Việt Nam rất dễ dàng với nhiều lí do. Chẳng hạn khi nhà cung cấp chào mẫu mới họ cho rằng mẫu chưa đáp ứng đúng tiêu chuẩn, họ bảo chất lượng siêu thị giờ phải là tiêu chuẩn Mỹ, nhưng giá rẻ… thì sẽ rất khó. “Mặc dù Big C nói vì chiến lược thay đổi mô hình kinh doanh mới nhưng chưa thấy Big C đưa ra tiêu chí gì mới cho ngành may mặc”, ông L nói. |