Bình Chánh xử phạt nhiều cơ sở gây ô nhiễm số tiền khủng

(PLO)- Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Bình Chánh đã ban hành 120 quyết định xử phạt trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 11-11, Huyện ủy Bình Chánh (TP.HCM) tổ chức hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 06 ngày 18-5-2021 của Ban Thường vụ Huyện ủy về tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Bình Chánh, giai đoạn 2021-2025 (Chỉ thị 06).

Huyện Bình Chánh tăng cường kiểm tra và xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NC

Huyện Bình Chánh tăng cường kiểm tra và xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Ảnh: NC

Xóa 77 điểm đen về rác

Theo báo cáo của Huyện ủy Bình Chánh, hơn một năm triển khai Chỉ thị 06, huyện Bình Chánh đã tổ chức thực hiện 685 đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường với 47.255 lượt người tham gia thực hiện. Kết quả đã xóa 77 điểm đen về rác thải (trước Chỉ thị 06 có 48 điểm)…

Qua phong trào thực hiện Chỉ thị 06, tại huyện đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động thiết thực, có hiệu quả. Điển hình như cải tạo 26 điểm đen về rác thành nơi tập thể dục ngoài trời, sân chơi thiếu nhi, vườn hoa. Chất lượng vệ sinh môi trường tại một số khu vực, tuyến đường ở huyện đã được cải thiện; hạn chế tình trạng rác tự phát trên các tuyến đường, vỉa hè...

Một trong các giải pháp trọng tâm trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện là kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh tái chế phế liệu; xử lý các cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như dệt, nhuộm, xay nhựa…

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, thông tin tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh chất thải và tác động đến môi trường trên địa bàn huyện là 701 cơ sở (với các ngành nghề tái chế phế liệu, nhuộm, giặt sấy vải…). Trong đó, có 185 cơ sở phát sinh nước thải công nghiệp nằm xen cài trong khu dân cư; 363 cơ sở hoạt động kinh doanh, mua bán, tái chế phế liệu (hoặc sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất).

Ngành nghề kinh doanh, mua bán, tái chế phế liệu chiếm gần 52% trên tổng số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm trên địa bàn huyện. Các cơ sở này phát sinh tiếng ồn, mùi nhựa, khí thải và nước thải trong quá trình hoạt động. Mặt khác, đa số các cơ sở này đều hoạt động trong các kho xưởng tạm bợ, xây dựng trên đất nông nghiệp và không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức kiểm tra đối với 449 cơ sở. UBND huyện đã ban hành 120 quyết định xử phạt trong lĩnh vực môi trường với tổng số tiền hơn 5 tỉ đồng.

Huyện Bình Chánh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Văn Nam, Bí thư Huyện ủy Bình Chánh, cho biết: Trước đây tình trạng ô nhiễm môi trường có xảy ra nhiều trên địa bàn. Tuy nhiên, sau một năm thực hiện Chỉ thị 06, Bình Chánh đã có nhiều bước chuyển biến rất rõ rệt.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 06, ông Nam đề nghị các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; cơ sở mua bán, tái chế phế liệu.

Cạnh đó, các địa phương trên địa bàn huyện cần thực hiện công tác duy tu, nạo vét, khơi thông dòng chảy; xử lý dứt điểm các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch tạo sự thông thoáng cho dòng chảy nhằm giảm ngập nước; tiếp tục duy trì và tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường…

“Chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp để nhân dân hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường. Từ đó tạo sự đồng thuận trong nhân dân, trong từng hộ gia đình, doanh nghiệp tham gia hưởng ứng. Thời gian tới, chúng ta tiếp tục thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh, trồng cây, thu gom rác… để tạo thành thói quen, phong trào trong mỗi người. Theo đó, mỗi khu phố, mỗi con đường, cơ quan, đơn vị hình thành ít nhất một công trình về công viên, về cảnh quan, về môi trường…” - ông Nam nói.•

Xây dựng mảng xanh để tiến tới TP xanh

Ông Trần Minh Quân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM (Sở TN&MT), đánh giá cao những nỗ lực của huyện Bình Chánh trong công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.

Sở TN&MT sẽ cùng đồng hành với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình chánh để tăng cường hơn nữa công tác xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, sở sẽ cùng các quận, huyện tập trung thực hiện các dự án để đảm bảo vệ sinh môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường; tăng cường mảng xanh để tiến tới xây dựng TP xanh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, sở tiếp tục vận động người dân ký cam kết không xả rác ra đường và kênh rạch; tăng cường đầu tư các trạm quan trắc tự động để công tác thu thập các dữ liệu về môi trường đến với các quận, huyện và người dân sớm nhất.

“Với việc quản lý chất lượng môi trường của các tuyến sông, kênh rạch giáp ranh của các tỉnh, thành trong đó có huyện Bình Chánh, thời gian tới chúng tôi sẽ làm việc với Sở TN&MT Long An thống nhất giám sát các nguồn thải đối với kênh rạch giáp ranh để kiểm soát nguồn thải một cách tốt nhất” - ông Quân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm