Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước. Khi đó, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, cán bộ các ngành ở tỉnh thiếu trầm trọng. Kinh tế chủ yếu là nông-lâm nghiệp, còn công nghiệp, thương mại dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Mặc dù, gặp nhiều khó khăn, nhưng sau hơn hai thập kỷ, so với cả nước Bình Phước đã có những bước tiến đáng kể về khả năng tạo việc làm, nguồn thu ngân sách và RGDP...
Cơ sở hạ tầng tại Bình Phước được đầu tư khang trang. Ảnh: LÊ ÁNH
Những dấu ấn phát triển mạnh mẽ
Trong nhiệm kỳ 2015-2020, các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra đều được Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bình Phước triển khai thực hiện quyết liệt.
Trong 15 nhóm chỉ tiêu cơ bản, có 8 nhóm chỉ tiêu vượt, 6 nhóm chỉ tiêu đạt, một chỉ tiêu gần đạt. Quy mô nền kinh tế đạt trên 68.000 tỉ đồng, tăng gấp 1,64 lần so với năm 2015. GRDP bình quân đầu người đạt 67,3 triệu đồng (tương ứng 3.000 USD) gấp 1,54 lần so với năm 2015.
Thu ngân sách của tỉnh tăng gấp hơn 2 lần so nghị quyết đề ra, tốc độ tăng thu bình quân đạt 22%/năm, ước năm 2020 đạt trên 10.000 tỷ đồng. Ngân sách chi đầu tư phát triển tăng từ 19% năm 2016 lên 57% năm 2020. Chi thường xuyên giảm từ 71% năm 2016 xuống còn 43% năm 2020.
Các tuyến đường đang được nâng cấp mở rộng. Ảnh: UBND TP.Đồng Xoài
Kết cấu hạ tầng được đầu tư có trọng điểm, đặc biệt là hệ thống đường điện và giao thông. Hệ thống giao thông đảm bảo thông suốt giữa các vùng trong và ngoài tỉnh.
Kết cấu hạ tầng các lĩnh vực xã hội như: trường học, y tế, các trạm trại… được đầu tư, nâng cấp. Hiện đã có 60/90 xã và 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2016-2020 thu hút đầu tư trong nước được 800 dự án với số vốn đăng ký là 50.000 tỷ đồng. Đầu tư nước ngoài thu hút 146 dự án với số vốn đăng ký là hơn 1,4 tỷ USD. Thành lập mới 4.850 doanh nghiệp, 246 hợp tác xã.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Phước đã gắn kết chặt chẽ trong mọi hoạt động của xã hội, phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa, lịch sử. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng khu dân cư.
Quy mô giáo dục mở rộng, mô hình và tổ chức bộ máy trường học sắp xếp lại hợp lý, đảm bảo đủ giáo viên, trường, lớp học, giảm biên chế gián tiếp. Toàn tỉnh đã có 145/435 trường đạt chuẩn quốc gia.
Bình Phước cũng đã nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh từ 300 lên 600 giường. Đồng thời tỉnh luôn chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đặc biệt, địa phương đã tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ để kiểm soát dịch COVID-19.
Ngoài ra, nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, thế trận an ninh nhân dân và quốc phòng toàn dân được củng cố, nâng cao. Trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, không để bị động, xảy ra điểm nóng. Các loại tội phạm cơ bản được kiềm chế. Tai nạn giao thông hàng năm đều giảm trên cả ba tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).
Sẽ là điểm đến hấp dẫn, tạo giá trị cho phát triển
Hiện tại, tỉnh Bình Phước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những kết quả đạt được là chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng so với lợi thế của địa phương.
Đây là thời điểm tốt nhất để Bình Phước tận dụng, chuyển từ vị trí “dự trữ phát triển” thành “một động lực phát triển”.
Chiến lược phát triển tỉnh Bình Phước đến 2030 và tầm nhìn 2050 là tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Ảnh: UBND TP.Đồng Xoài
Để tạo được sự đột phá, tỉnh Bình Phước sẽ có những cách làm mới, trên cơ sở vận dụng các quy định hiện hành một cách sáng tạo nhằm tận dụng được các tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Với mục tiêu hàng đầu là đưa Bình Phước trở thành địa phương phát triển, là “điểm đến hấp dẫn” của các nhà đầu tư, người giàu và nhân tài.
Theo đó, Bình Phước phấn đấu đến năm 2050 trở thành địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu hút việc làm thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, trở thành địa phương dẫn đầu trong nhóm khá của cả nước và trở thành một động lực cho sự phát triển của vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Tỉnh cũng sẽ tạo miền đất hứa cho các doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh; tìm kiếm lợi nhuận và tạo ra của cải cho toàn xã hội. Cùng đó là tạo dựng môi trường để những người có khả năng phát huy trí tuệ đạt được các mục tiêu của họ và tạo ra các lợi ích cho xã hội. Đồng thời, tạo môi trường sống tốt, hòa hợp với thiên nhiên và bền vững.
Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội cũng sẽ tập trung vào tính hiệu quả vì mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, để đạt được những điều này, cả tỉnh sẽ phải tập trung vào các trọng tâm như: Phát triển các cụm ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng với khả năng tạo việc làm và nguồn thu ngân sách bền vững. Cùng đó là xây dựng hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với công nghiệp hóa và đô thị hóa có trọng tâm nhằm tạo cú hích cho sự phát triển của tỉnh.
Trong đó, hạ tầng giao thông kết nối với các địa phương phát triển hơn có vai trò chiến lược, tiếp đến là hạ tầng nội tỉnh kết nối các trung tâm và hành lang phát triển.
Bình Phước sẽ có các chính sách rõ ràng, nhất quán và thực tế trong việc thu hút và giữ chân các doanh nghiệp, người giỏi và người khá giả. Cùng đó là tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh gắn với những hợp tác cần thiết trong việc xây dựng những nền tảng có lợi cho tất cả các bên liên quan trong các cụm ngành.
Bình Phước cũng sẽ phát triển nguồn nhân lực tập trung vào nhu cầu của những cụm ngành hay hoạt động kinh tế trọng yếu nhằm đáp ứng nhu cầu của địa phương và tạo tính lan tỏa.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế để cán bộ làm việc hiệu quả hơn, khắc phục tình trạng khuyến khích ngược, gắn với chiến lược đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức của tỉnh...
Với tiềm năng và lợi thế hiện có, cũng như những định hướng chiến lược phát triển phù hợp trong thời gian tới, hy vọng rằng Bình Phước sẽ có những sự bứt phá về thành tựu kinh tế, nâng tâm vị thế và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
Người dân tự hào và đặt kỳ vọng Bình Phước ngày càng đi lên Bà Nguyễn Hồng Thúy (xã Tiến Hưng, TP Đồng Xoài, Bình Phước), sinh sống tại TP Đồng Xoài từ khi tỉnh mới tái lập. Cùng với sự phát triển của tỉnh, cuộc sống của gia đình bà cũng ngày càng khá lên. Để có được điều đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân gia đình bà, chính quyền địa phương có những chính sách hỗ trợ người dân phù hợp, để phát triển kinh tế.
“Tôi và người dân ở đây cảm thấy mình luôn được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương, từ việc giải quyết thủ tục hành chính, đến việc có nhiều chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh doanh. Từ đó, người dân chúng tôi yên tâm làm ăn, góp phần mình vào việc đưa nền kinh tế phát triển đi lên”, bà Thúy nói. Trong niềm tự hào, bà Thúy chia sẻ thêm: “Bộ mặt của TP Đồng Xoài nói riêng và cả tỉnh nói chung đang dần thay đổi diện mạo. Đường phố ngày càng đẹp hơn, các dịch vụ công cũng được đầu tư khang trang hơn. Công viên cho người dân vui chơi giải trí cũng được xây dựng nhiều. Là một người dân, tôi cảm thấy tự hào về sự thay đổi của quê hương thứ 2”. Không chỉ riêng bà Thúy, mà nhiều người dân tại tỉnh Bình Phước cũng nhận thấy rõ sự phát triển của tỉnh trong những năm gần đây. Ông Nguyễn Văn San (phường Tân Phú, TP Đồng Xoài, Bình Phước) cũng cho biết, cảm thấy rất vui vì tỉnh nhà ngày một phát triển. Đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. “Trước kia, cái gì cũng khó từ đi lại, mua bán. Giờ cái gì cũng có hết rồi. Con cái tôi thì được học trong trường lớp khang trang. Giờ làm việc gì cũng dễ dàng hơn”, ông San cho biết. Ông San cũng chia sẻ thêm: “Tôi tin tưởng rằng cứ theo đà này, tỉnh Bình Phước sẽ nhanh chóng phát triển ngang bằng với tỉnh thành trong cả nước. Tôi cũng rất tự hảo khi là người dân của tỉnh Bình Phước”. |