Bình Phước: Từ 1-10, huyện Chơn Thành chính thức lên thị xã

(PLO)- Huyện Chơn Thành chính thức lên thị xã Chơn Thành từ ngày 1-10. Thị xã này được kỳ vọng phát triển theo hướng năng động, sinh thái, thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 27-9, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Phước phối hợp với UBND huyện Chơn Thành tổ chức buổi họp báo thông tin về việc thành lập thị xã Chơn Thành.

Bà Nguyễn Thị Hải Vân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành thông tin về lễ công bố thành lập thị xã Chơn Thành. Ảnh: LÊ ÁNH

Bà Nguyễn Thị Hải Vân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành thông tin về lễ công bố thành lập thị xã Chơn Thành. Ảnh: LÊ ÁNH

Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân-Phó Chủ tịch UBND huyện Chơn Thành, ngày 11-8-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành.

Theo đó, chính quyền thị xã Chơn Thành chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-10-2022.

Khi huyện Chơn Thành lên thị xã thì tỉnh Bình Phước có tổng cộng 3 thị xã ( 2 thị xã hiện có là Bình Long và Phước Long).

Ngày 20-2-2003, huyện Chơn Thành được thành lập theo Nghị định số 17/2003/NĐ-CP gồm 9 đơn vị hành chính gồm một thị trấn Chơn Thành và 8 xã là Minh Long, Minh Thành, Tân Quan, Nha Bích, Minh Lập, Minh Thắng, Minh Hưng.

Đến ngày 1-10-2022 khi huyện Chơn Thành chính thức lên thị xã Chơn Thành thì địa phương này có tổng cộng 5 phường và 4 xã.

Theo đó, thị trấn Chơn Thành sẽ được lên phường và đổi tên là phường Hưng Long. 5 xã lên phường gồm: Minh Hưng, Minh Long, Thành Tâm, Minh Thành. Ngoài ra còn 4 xã gồm: Nha Bích, Minh Thắng, Minh Lập, Quang Minh.

Lễ công bố thành lập thị xã Chơn Thành sẽ được long trọng tổ chức vào sáng 1-10 tại công viên Trung tâm hành chính thị xã Chơn Thành.

Phóng viên các cơ quan báo chí đặt một số câu hỏi về xoay quanh việc lãnh đạo địa phương đã có những chuẩn bị gì khi huyện Chơn Thành lên thị xã.

Phóng viên các cơ quan báo chí đặt một số câu hỏi về xoay quanh việc lãnh đạo địa phương đã có những chuẩn bị gì khi huyện Chơn Thành lên thị xã.

Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, thị xã Chơn Thành được xác định phát triển theo hướng năng động, sinh thái, thông minh.

Trong đó, tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và chú trọng liên kết vùng nhằm tạo ra những nền tảng quan trọng và thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế -xã hội.

Bên cạnh đó, còn tập trung các nguồn lực xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, bảo đảm hạ tầng dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, công nghệ thông tin và các hạ tầng khác đồng bộ, có chất lượng cùng với việc phát triển công nghiệp có tính cạnh tranh cao thúc đẩy phát triển tốt kinh tế - xã hội của thị xã theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác ở mức tốt nhất, chưa tương xứng với kỳ vọng, nhất là trong phát triển công nghiệp-đô thị.

Chơn Thành hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi

Huyện Chơn Thành với vị trí chiến lược là cửa ngõ phía Nam của tỉnh Bình Phước, là nơi giao cắt các tuyến Quốc lộ 13, 14, giáp ranh với tỉnh Bình Dương, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài 35km, cách thành phố Thủ Dầu Một 55km, Trung tâm TP.HCM 80 km. Chơn Thành hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt về lĩnh vực công nghiệp, đô thị.

Chơn Thành có vị trí thuận lợi để phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ. Ảnh: LA

Chơn Thành có vị trí thuận lợi để phát triển mạnh về kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp-dịch vụ. Ảnh: LA

Diện tích tự nhiên của huyện Chơn Thành là hơn 39 ngàn ha. Tính đến năm 2021, dân số toàn huyện Chơn Thành là 121.083 người. Trong đó, dân số thường trú là 99.855 người, dân số tạm trú quy đổi là 21.228 người.

Chơn Thành có 25 dân tộc anh em sinh sống: Kinh, S’tiêng, Khmer, Tà mun, Châu Ro, Hoa… trong đó các dân tộc thiểu số chiếm khoảng hơn 8%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế: Luôn duy trì ổn định, năm sau cao hơn năm trước; kinh tế chuyển dịch theo định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005-2010 đạt 21,2%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 15,27%; giai đoạn 2019 - 2021 tăng bình quân 17,37% (trong đó, năm 2019 tăng 18,1%, năm 2020 tăng 17,2%, năm 2021 tăng 16,8%).

Thu ngân sách tăng nhanh, cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng nguồn thu từ doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thuế thu nhập cá nhân. Nếu năm 2004 chỉ thu được 57,4 tỷ đồng, đến năm 2021 đạt 1.367,33 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 965,63 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đô thị Chơn Thành liên tục tăng qua các năm. Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 81 triệu đồng, gấp khoảng 1,5 lần bình quân đầu người của cả nước.

Trong giai đoạn 2015-2020, huyện Chơn Thành có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp-thương mại, dịch vụ. Tỉ trọng các ngành kinh tế phi nông nghiệp tăng rất mạnh và tương ứng là giảm tỉ trọng các ngành nông nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm đều đạt từ 17-20%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 81 triệu đồng. Số hộ nghèo năm 2021 là 39 hộ (chiếm tỉ lệ 0,13%, giảm 34 hộ so với năm 2020).

Hiện nay, huyện Chơn Thành hiện có 5 khu công nghiệp gồm: khu công nghiệp Minh Hưng-Hàn Quốc, khu công nghiệp Minh Hưng 3, khu công nghiệp Chơn Thành 1, khu công nghiệp Chơn Thành 2, Khu liên hợp Công nghiệp và Đô thị Becamex Bình Phước.

Các khu công nghiệp này đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục ngàn lao động trong và ngoài địa phương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm