Bình Thuận chỉ đạo khẩn kiểm tra các dự án xây trên đồi cát

Chiều 24-4, ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đã ký công văn hỏa tốc gửi các sở, ban ngành liên quan chỉ đạo khẩn trương kiểm tra, khắc phục và có biện pháp ứng phó tại các khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở trên địa bàn tỉnh.

Khu vực dự án Goldsand Hill Villa trong ba ngày đã xảy ra hai vụ sạt lở.

Theo nội dung công văn, ngay vào đầu mùa mưa năm nay, trong những ngày qua đã xảy ra việc sạt lở đất, làm ảnh hưởng đến an toàn của người dân khi tham gia giao thông, làm hư hỏng các công trình của Nhà nước, doanh nghiệp.

Cụ thể là hai vụ sạt lở đất do mưa lớn ngày 20-4 và ngày 23-4 tại dự án Goldsand Hill Villa, phường Mũi Né, TP Phan Thiết; và tuyến đường ven biển 706B xã Hòa Thắng vào đêm 23-4…

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh với sự tham gia của Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cùng các cơ quan và địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra thực tế các khu vực dự án để xảy ra sự cố vừa qua.

Đồng thời kiểm tra các dự án du lịch, công trình ven biển tại vị trí có địa hình cao, trên đồi, trực tiếp đấu nối vào tuyến đường giao thông, gần khu dân cư thuộc địa bàn TP Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình đã cấp phép xây dựng hiện đang xây dựng, thi công các hạng mục công trình hoặc chuẩn bị triển khai thi công. Trong đó, tập trung kiểm tra hồ sơ thiết kế, hồ sơ bảo vệ môi trường, biện pháp thi công, biện pháp thoát nước mặt khi có mưa lũ,...

Qua kiểm tra, trường hợp nếu phát hiện các dự án, công trình không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người dân, công trình, môi trường trong khu vực khi mưa lũ, thiên tai, sự cố xảy ra... thì phải chấn chỉnh, yêu cầu chủ đầu tư triển khai ngay các biện pháp khắc phục.

Đồng thời, các đơn vị liên quan phải yêu cầu tất cả các dự án, công trình này có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố khi mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình.

Theo đó, các phương án phải cụ thể, đầy đủ, triển khai thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” khi có sự cố xảy ra, phải báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương; giao nhiệm vụ cho Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm thông báo đến chủ dự án và hướng dẫn, kiểm tra.

Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm theo quy định. Thời gian kiểm tra và hoàn thành triển khai các biện pháp khắc phục trước ngày 30-4.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương liên quan trực tiếp kiểm tra các tuyến giao thông trọng điểm, quan trọng bị sạt lở vừa qua và các tuyến đường đi qua những khu vực có địa hình cao, đồi dốc, có nguy cơ bị sạt lở, hư hỏng, nhất là các tuyến đường ven biển.

Qua kiểm tra, trường hợp phát hiện những khu vực, vị trí không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua lại khi mưa lũ, thiên tai, sự cố xảy ra... thì phải có biện pháp gia cố, khắc phục ngay. Thời gian kiểm tra và hoàn thành triển khai các biện pháp khắc phục trước ngày 30-4.

Cát tràn lấp chôn chặt hai ô tô trong vụ sạt lở đêm 20-3.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở GTVT rà soát, đôn đốc triển khai thi công nhanh việc nâng cấp mở rộng cầu, đường giao thông, cống thoát lũ trên các tuyến giao thông chính của tỉnh.

Trong đó chú trọng lồng ghép đầu tư đa mục tiêu theo hướng kết hợp công trình thủy lợi với công trình giao thông tại những khu vực có điều kiện, trong quy hoạch ngành. Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để hỗ trợ sơ tán, di dời dân khi  có thiên tai, sự cố xảy ra.

Công văn của UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở TN&MT chủ trì, thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh với sự tham gia của Sở Công Thương, Sở NN&PTNT và các địa phương kiểm tra thực tế các dự án khai thác khoáng sản, nhất là các dự án nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc .

"Qua kiểm tra, trường hợp phát hiện các dự án không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn trong khu vực khi mưa lũ, thiên tai, sự cố xảy ra thì phải chấn chỉnh, yêu cầu chủ đầu tư triển khai ngay các biện pháp khắc phục" - công văn nêu rõ.

Đồng thời, tất cả các dự án, công trình này phải xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố kịp thời khi có mưa lũ, thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm theo quy định. Thời gian kiểm tra và hoàn thành triển khai các biện pháp khắc phục trước ngày 30-4.

UBND tỉnh còn giao UBND các huyện, thị xã, TP rà soát, xác định các vùng, địa bàn xung yếu, nhất là các khu dân cư ven biển, vùng trũng, khu vực có người dân sinh sống gần các dự án khai thác tài nguyên, thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai để xây dựng giải pháp, biện pháp phòng ngừa nguy cơ khi có tình huống thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, các địa phương cần lập kế hoạch, điều chỉnh phương án ứng phó mưa lũ, thiên tai, sự cố hợp lý; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư theo phương châm “4 tại chỗ” để kịp thời ứng phó, cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân đến nơi an toàn và khắc phục hậu quả thiên tai kịp thời, đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian hoàn thành trong tháng 5-2021.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của mưa, lũ trên địa bàn tỉnh; nhất là khu vực ven biển nơi tập trung nhiều dự án du lịch có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở đất để thông báo kịp thời cho chính quyền,chủ dự án và người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó.

Như PLO đã đưa tin, trong ba ngày qua tại Bình Thuận có mưa lớn và đã xảy ra nhiều vụ lở cát lấp đường, ùn tắc giao thông gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Các điểm sạt lở đều nằm ở phía đồi cát ven biển nơi có nhiều dự án bất động sản và doanh nghiệp khai thác khoáng sản Titan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm