Bình Thuận: Năm 2023 mỗi ngày tòa án giải quyết hơn 14 vụ ly hôn

(PLO)- Án hôn nhân gia đình năm 2023, tòa án đã thụ lý giải quyết hơn 5.200 vụ việc, tăng 484 vụ việc so với cùng kỳ năm ngoái.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo công tác của tòa án hai cấp của tỉnh Bình Thuận năm 2023. Theo đó, công tác xét xử các vụ án hình sự năm 2023 về cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

toa-an.jpg
Bị cáo Dương Đức Lê (trái) bị Tòa án Bình Thuận tuyên phạt 17 năm tù vào tháng 5-2023. Ảnh PĐ

Án tham nhũng tăng

Những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, vụ án dư luận xã hội quan tâm đã được tòa án hai cấp đưa ra xét xử kịp thời như: Vụ án Trần Trung Long (9 bị cáo) giết người, gây rối trật tự công cộng; Nguyễn Trọng Nghĩa (37 bị cáo) giết người và gây rối trật tự công cộng; A Mách (4 bị cáo) giết người và cố ý gây thương tích; Dương Đức Lê (2 bị cáo) lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Ninh Thị Vân Anh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức...

Về tội phạm tham nhũng, chức vụ, tòa án đã thụ lý xét xử 8 vụ, 14 bị cáo; so với cùng kỳ tăng 5 vụ, 5 bị cáo.

Công tác giải quyết, xét xử các vụ án hình sự cho thấy, các nhóm tội phạm về ma túy (33,5%), xâm phạm sở hữu (25,5%) vẫn chiếm tỷ lệ cao. Nguyên nhân là do nhận thức pháp luật của một số người còn thấp, nghiện ma túy, rượu, cờ bạc và thiếu sự quan tâm, giáo dục của gia đình.

5.237 vụ ly hôn do mâu thuẫn

Về giải quyết các án dân sự chung (Dân sự, Hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động), tòa đã thụ lý 10.374 vụ, việc; giải quyết 8.007 vụ, việc.

Các vụ án về tranh chấp dân sự chủ yếu là tranh chấp về quyền sử dụng đất, vay mượn tài sản, tranh chấp tài sản gắn liền với đất đai liên quan đến các giao dịch đặt cọc, chuyển nhượng tài sản, thừa kế di sản...

Án kinh doanh thương mại chủ yếu xuất phát từ hợp đồng mua bán hàng hoá (chiếm tỷ lệ 40,7%), tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, đầu tư tài chính, ngân hàng.

Án hôn nhân và gia đình thụ lý và giải quyết tăng hơn so với cùng kỳ 484 vụ việc (năm 2022: 4.753 vụ việc, năm 2023: 5.237 vụ việc), nguyên nhân ly hôn là chủ yếu do mâu thuẫn trong gia đình trầm trọng không thể hàn gắn được (95%).

tòa án
Quang cảnh một phiên tòa tại Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận. Ảnh ĐP

Về án hành chính, tòa đã thụ lý 440 vụ, việc; giải quyết 210 vụ, việc; đạt tỷ lệ 47,7%. So với cùng kỳ năm 2022 thụ lý tăng 41 vụ, việc; giải quyết tăng 65 vụ, việc.

“Các vụ án hành chính phát sinh tranh chấp chủ yếu trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Công tác giải quyết án hành chính tại Tòa án gặp nhiều khó khăn do một số trường hợp người đại diện cơ quan Nhà nước tham gia đối thoại không đầy đủ thành phần, việc cung cấp thông tin tài liệu chứng cứ còn chậm, cho nên công tác tổ chức đối thoại gặp rất nhiều khó khăn” - báo cáo nêu.

Tỷ lệ giải quyết án hành chính và án dân sự tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa đáp ứng chỉ tiêu Quốc hội và TAND Tối cao đề ra.

chanh-an-3024-1955.jpg
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận, trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh ngày 7-12.

Án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, tuy đã được rút kinh nghiệm nhưng vẫn còn lặp lại như việc thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, xác định mức độ lỗi và thiệt hại không chính xác...

Tuy có nhiều cố gắng và đề ra nhiều giải pháp trong việc khắc phục án quá hạn, án tạm đình chỉ nhưng so với cùng kỳ năm 2022 án tạm đình chỉ tăng 132 vụ, án quá thời hạn chuẩn bị xét xử tăng 86 vụ.

“Cơ cấu đội ngũ công chức tòa án hai cấp còn thiếu, nhất là chức danh tư pháp thẩm phán và thư ký; số lượng biên chế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng tăng; chất lượng một số công chức chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ. Công tác luân chuyển, điều động cán bộ còn gặp nhiều khó khăn do không có nhà công vụ và chính sách hỗ trợ cho việc luân chuyển, điều động”, báo cáo giải thích.

Ngoài ra theo báo cáo, tính chất trong các tranh chấp ngày càng đa dạng, phức tạp, việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhiều đương sự cung cấp chứng cứ không đầy đủ hoặc cố tình không cung cấp chứng cứ, cố tình trốn tránh, không hợp tác, không đến Tòa án theo giấy triệu tập; thủ tục ủy thác tư pháp còn nhiều trở ngại dẫn đến việc giải quyết án mất nhiều thời gian và ảnh hưởng rất lớn đến việc giải quyết, xét xử của Tòa án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm