Ông Thành là người dân tộc thiểu số, bà Thủy người quê Thái Bình. Cả hai đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Họ gặp nhau ở bãi rác, ngày nào cũng tranh nhau rác đến nỗi đi đến quyết định về cùng một nhà để đỡ phải tranh nhau.
Ông xăm ngày 26/9/1969 là ngày hai người gặp nhau lên cánh tay tráii để kỷ niệm. Không cưới không hỏi, cứ thế sống với nhau đến nay là 47 năm rồi, phiêu bạt nhiều nơi nhưng đến bãi giữa thì được cho ở lại.
Đến đây sống cũng đã 4 năm. Hôm mới đến ở ông cũng bị đuổi đi, ngày sắp dọn đi thì ông vớt giùm xác người trôi sông, công an thấy ông hay đi vớt xác, đặt cho ông biệt danh là " ăn tranh của hà bá" rồi để ông bà ở lại.
Sức khỏe bà yếu nên ông chăm chỉ đi sớm về muộn nhặt rác để mưu sinh. Căn nhà trên sông chẳng có cái gì đáng giá nhưng không bao giờ thiếu 2 chiếc điếu cày, ông 1 cái bà 1 cái vì ông bảo: “đỡ phải tranh nhau!”.
Tình yêu của ông bà là thứ khó định nghĩa được, cũng chưa một lần nào ông bà dám mơ về đám cưới của riêng mình.
Ê kíp chụp ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao đã đến nói chuyện với ông bà hai lần mới được ông bà mở lòng cho phép chụp lại bộ ảnh tình yêu cho hai ông bà.
"Chúng tôi thật quá may mắn được ông bà đồng ý để ghi lại chuyện tình thế kỷ này và chúng tối đã đem đến niềm vui nho nhỏ mà ông bà chưa bao giờ nghĩ đến - Một đám cưới nhỏ xinh đơn giản, để ông được bày tỏ đôi lời đáy lòng với bà" Nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao tâm sự trên trang Facebook của mình.
Cùng xem bộ ảnh của nhiếp ảnh gia Hải Lê Cao thực hiện:
Ảnh: Hải Lê Cao