Bộ Chính trị: Có chính sách tiền lương phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực

(PLO)- Bộ Chính trị yêu cầu chú trọng chính sách thu hút nhân tài; có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Kết luận 62/2023 về thực hiện Nghị quyết 19/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết 19).

Kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả

Theo Bộ Chính trị, thời gian qua, các đơn vị sự nghiệp công lập đã được sắp xếp, tổ chức lại, tinh giản đầu mối và biên chế, tăng tính tự chủ, công khai, minh bạch; phát huy được vai trò chủ đạo, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của nhân dân.

Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như chưa thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp, cơ chế tự chủ tài chính; định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở để định giá dịch vụ sự nghiệp công…

Một số nơi sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn máy móc, cào bằng, chưa gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Hiệu quả hoạt động của nhiều đơn vị sự nghiệp công lập sau sắp xếp chưa đáp ứng yêu cầu...

bo-chinh-tri-chinh-sach-tien-luong.jpg
Bộ Chính trị yêu cầu chú trọng chính sách thu hút nhân tài; có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù từng ngành. Ảnh: THANH THÙY

Do đó, để tiếp tục thực hiện các nội dung theo Nghị quyết 19, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chức năng, đơn vị sự nghiệp công lập và nhân dân, nhất là người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kịp thời phát hiện, nhân rộng mô hình đơn vị sự nghiệp công lập điển hình, có cách làm năng động, sáng tạo, hiệu quả.

Quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết 19 gắn với các chủ trương của Đảng có liên quan. Đặc biệt là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp, nhân lực và cơ cấu đội ngũ, chế độ, chính sách, chú trọng chính sách thu hút nhân tài, người có chuyên môn nghiệp vụ giỏi.

Có cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chính sách tiền lương phù hợp với đặc thù của ngành, lĩnh vực sự nghiệp; định mức kinh tế - kỹ thuật để định giá từng loại hình dịch vụ sự nghiệp công, hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công...

Ngoài ra, có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát, quản trị theo hướng tăng cường dân chủ, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; hoạt động kiểm định, định giá, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ sự nghiệp công…

“Tiếp tục tăng ngân sách nhà nước và đổi mới việc phân bổ theo hướng tập trung cho dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước” – Bộ Chính trị nêu rõ và yêu cầu nâng cao năng lực quản lý, tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, gắn quyền hạn với trách nhiệm, quyền lợi với hiệu quả công việc.

Các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp

Cũng theo Bộ Chính trị, trên cơ sở xác định các dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cùng điều kiện, khả năng và mức độ tự chủ của các đơn vị, xây dựng kế hoạch, lộ trình tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập từ nay đến năm 2030.

Bộ Chính trị cũng lưu ý các đơn vị sau sắp xếp phải có tổ chức bộ máy phù hợp, cơ cấu đội ngũ cán bộ, viên chức gắn với vị trí việc làm. Cùng đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - công nghệ vào quản lý, hiệu quả hoạt động sẽ được đánh giá dựa trên sản phẩm cũng như kết quả công việc.

“Bảo đảm xuyên suốt việc cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, nhất là dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, tạo thuận lợi cho nhân dân trong tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công” – kết luận nêu.

Cũng theo Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cần tiến hành sơ kết, tổng kết việc thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ; chính sách thí điểm xã hội hoá các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; thi tuyển và thuê giám đốc điều hành đơn vị sự nghiệp công lập.

Cạnh đó là nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương xã hội hoá, nhất là chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, phí, tín dụng, thu hút đầu tư đối với dịch vụ sự nghiệp công.

Các chính sách xã hội hoá phải sát với thực tiễn, khả thi, bình đẳng để phát triển nhanh các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, y tế, khoa học - công nghệ ở những nơi có đủ điều kiện, các thành phố, đô thị lớn có dân số tăng nhanh.

“Hoàn thành việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ bệnh viện và trường học)” – Bộ Chính trị nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm