Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa kết thúc điều tra và chuyển bản kết luận cùng hồ sơ đề nghị VKSND tối cao truy tố Trần Vĩnh Tuyến, Lê Tấn Hùng và 14 bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri).
Ông Lê Tấn Hùng (sinh năm 1963, Tổng giám đốc Sagri) và Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1966, kế toán trưởng) bị đề nghị truy tố về tội tham ô và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí.
Các bị can bị đề nghị cùng truy tố tội tham ô là Trần Văn Trường, Đỗ Sĩ Hoài Thanh, Đoàn Quang Hồi, Nguyễn Thị Nguyên và Nguyễn Thị Tuyết Mai.
Các bị can bị đề nghị cùng truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí là Vân Trọng Dũng (sinh năm 1967, Chủ tịch hội đồng thành viên Sagri), Trần Vĩnh Tuyến (sinh năm 1965, phó chủ tịch UBND TP.HCM), Trần Trọng Tuấn (sinh năm 1969, Phó Chánh văn phòng Thành uỷ TP.HCM), Phan Trường Sơn, Trần Quốc Đạt, Lê Tấn Hòa, Lê Văn Thanh và Nguyễn Thanh Chương.
Bị can Nguyễn Thị Thanh An (sinh năm 1967, nguyên kiểm soát viên Sagri) bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm.
Trước đó có 17 bị can bị khởi tố tuy nhiên, trong quá trình điều tra, ông Nguyễn Thành Mỹ đã qua đời do mắc bệnh hiểm nghèo nên được đã đình chỉ điều tra đối với bị can này.
Ông Trần Vĩnh Tuyến (trái) và ông Lê Tấn Hùng. Ảnh: N.ĐỨC
Theo kết luận điều tra, ông Hùng là người hiểu biết về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế xã hội, lợi dụng chức vụ tổng giám đốc Sagri năm 2016 đã chỉ đạo kế toán trưởng Thuý và các bị can cấp dưới lập 10 hồ sơ khống cho các cán bộ công nhân viên đi tham quan học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt 13 tỉ đồng.
Cạnh đó, khi giữ chức tổng giám đốc, ông Hùng còn vi phạm quy định quản lý sử dụng tài sản gây thất thoát lãng phí trong chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9).
Đối với ông Tuyến là người có trình độ hiểu biết về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và trải qua nhiều cương vị công tác đến ngày 5-5-2016 được bổ nhiệm là Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách lĩnh vực kinh tế, tài chính…
Với vai trò phó chủ tịch, ông Tuyến biết việc chuyển nhượng dự án nhà ở tại phường Phước Long B (quận 9) phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình kĩ thuật hạ tầng, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước và chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng... nhưng ông Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện thủ tục, đề nghị UBND TP.HCM chấp thuận để chuyển nhượng toàn bộ dự án cho công ty Phong Phú với số tiền là 168 tỉ đồng trái pháp luật. Việc này đã gây thiệt hại cho nhà nước 348 tỉ đồng tại thời điểm chuyển nhượng dự án và 672 tỉ đồng tại thời điểm khởi tố vụ án.
Trong vụ án này, CQĐT xác định ông Hùng là chủ mưu, chỉ đạo điều hành vừa là người thực hiện tội phạm, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn. Mặc khác chưa thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân. Còn ông Tuyến cũng chưa thành khẩn khai báo rõ về động cơ vụ lợi của bản thân và đồng phạm, đổ lỗi do tin tưởng cấp dưới tham mưu.
Nguyên nhân vi phạm pháp luật của ông Tuyến có một phần do nể nang ông Lê Tấn Hùng là em trai cựu Bí thư thành uỷ TP.HCM Lê Thanh Hải.