Bộ đội biên phòng TP.HCM ngăn dịch ngay từ cửa khẩu cảng

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, đặc biệt là làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, Bộ đội biên phòng (BĐBP) TP.HCM đã triển khai thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh vừa bảo đảm vững chắc chủ quyền an ninh, biên giới, vùng biển, cửa khẩu cảng của TP.HCM; cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP tập trung lực lượng phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả nhất.

Ngăn dịch xâm nhập cửa khẩu cảng

Nói về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian qua, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP TP.HCM, khái quát đặc thù của BĐBP TP là bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên tuyến cửa khẩu cảng và tuyến biển. Trong đó, khu vực cửa khẩu cảng được xác định là khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao bởi lượng tàu thuyền và các thủy thủ ở nước ngoài về rất nhiều.

Từ đó, Đảng ủy Bộ chỉ huy BĐBP TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu cho TP ban hành quy chế quản lý người, phương tiện xuất nhập cảnh cũng như hoạt động tại khu vực cảng trong thời gian có dịch COVID-19. Việc này nhằm bảo đảm quy trình quản lý chặt chẽ nhất, tránh để dịch bệnh lây nhiễm trong khu vực cảng, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế khu vực cửa khẩu cảng.

Để giám sát, kiểm tra các tàu thuyền neo đậu xung quanh khu vực cảng khi chưa làm hàng, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải thông tin BĐBP TP đã bố trí hàng chục tổ, chốt để quản lý chặt nguồn lây.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng TP.HCM, nói về công tác phòng chống dịch COVID-19 ở cửa khẩu cảng.
Ảnh: PHONG ĐIỀN

Bởi theo Thượng tá Hải, khi chưa làm hàng, các tàu neo đậu ở khu vực trên sông, biển sẽ tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, hộ dân tiếp cận, tiếp xúc trái phép trên tàu nhằm trao đổi hàng hóa. Khi dịch bùng phát, việc tiếp cận trái phép này cũng là một nguồn lây nhiễm nên BĐBP TP đã duy trì các tổ, chốt 24/24 giờ ở tất cả khu vực neo đậu, không để người dân tiếp xúc với các thủy thủ trên tàu.

Lực lượng biên phòng TP cũng tuyên truyền cho ngư dân, cán bộ, công nhân lên tàu làm việc chấp hành nghiêm công tác phòng chống dịch, đặc biệt là quy định 5K, tránh việc lây nhiễm trong khu vực cửa khẩu cảng.

Đối với địa bàn biên giới biển, bên cạnh tập trung tuyên truyền cho quần chúng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, BĐBP TP còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác để ngư dân hiểu sự nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó có cách phòng tránh hiệu quả nhất.

Ngăn dịch bệnh từ đường biển vào địa bàn biên phòng

Lực lượng biên phòng TP.HCM đã tham mưu bốn xã, thị trấn biên phòng phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho các hộ dân, khu phố, ấp ký các bản cam kết khi thấy người lạ đến địa bàn thì báo cáo cơ quan chức năng; không tiếp xúc với người ngoài khi hành nghề trên biển; không đưa/đón người ngoài trái phép vào địa bàn biên phòng.

Thượng tá NGUYỄN THANH HẢI, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP TP.HCM

Vận động ngư dân “vươn khơi bám biển”

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải đánh giá dịch bệnh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, đặc biệt là ở khu vực cảng do công nhân bị hạn chế làm việc. Chính vì vậy, BĐBP TP đã huy động và phân chia các nguồn lực đến tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm an toàn trong thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng cũng vận động, tiếp nhận lương thực, nhu yếu phẩm để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

“BĐBP TP đã vận động và tiếp nhận hơn 10 tỉ đồng, hơn 200 tấn hàng hóa để hỗ trợ bà con. Chúng tôi còn phối hợp với lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức mô hình siêu thị 0 đồng giúp người dân vượt qua khó khăn do dịch” - Thượng tá Hải chia sẻ.

Lực lượng biên phòng cửa khẩu cảng TP.HCM kiểm tra, kiểm soát người ra vào cửa khẩu cảng. Ảnh: TÔ LONG

Khi TP trở lại trạng thái bình thường mới và khôi phục kinh tế, tại khu vực biên giới biển, BĐBP TP đã vận động, khuyến khích ngư dân “vươn khơi bám biển” bảo vệ chủ quyền, bảo đảm đời sống nhưng vẫn bảo đảm các quy định về phòng chống dịch.

Tương tự, tại khu vực cửa khẩu cảng, lực lượng tiếp tục duy trì tổ, chốt kiểm tra, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan. “TP.HCM có cảng biển lớn nên lưu lượng hàng hóa, tàu thuyền vào cảng ngày càng nhiều. Trong giai đoạn bình thường mới, chúng tôi vẫn duy trì các tổ, chốt để quản lý, kiểm tra và giám sát chặt tình hình trên khu vực cảng, không để dịch ảnh hưởng đến sản xuất và phát triển kinh tế” - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP TP.HCM thông tin.

Đấu tranh tội phạm trên cửa khẩu cảng, biên giới biển

Nói về công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nhận định mặc dù dịch bệnh nhưng hoạt động của các loại tội phạm trên biên giới biển và cửa khẩu cảng vẫn diễn biến rất phức tạp.

Sau khi có Nghị quyết 128 của Chính phủ, vấn đề tội phạm có xu hướng phức tạp hơn, do đó lực lượng biên phòng TP đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nghiệp vụ để bám, nắm địa bàn thường xuyên và chặt chẽ hơn. Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm trên cửa khẩu cảng, biên giới biển, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn trên địa bàn.

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải nhìn nhận khó khăn nhất hiện nay là lực lượng mỏng trong khi địa bàn cửa khẩu cảng TP lại rất rộng. Bên cạnh đó, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, các thủ đoạn của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

“Với tinh thần, ý chí quyết tâm, cán bộ, chiến sĩ biên phòng TP.HCM luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, gian khổ để đấu tranh có hiệu quả và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao” - Thượng tá Hải nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm