Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa có tờ trình trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỉ đồng
Bên cạnh việc quy định các chính sách, chế độ đối với cán bộ, người lao động trong sắp xếp tổ chức bộ máy với từng trường hợp cụ thể, dự thảo nghị định cũng nêu rõ cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng chính sách, chế độ.
Theo đó, thời gian nghỉ sớm để tính số tháng hưởng chế độ trợ cấp hưu trí một lần kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng tối đa không quá 60 tháng.
Thời gian để tính trợ cấp thôi việc là thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được chia làm hai trường hợp. Gồm trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm trở lên thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc tối đa 5 năm (60 tháng). Còn trường hợp thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc dưới 5 năm thì thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Thời gian để tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (theo sổ bảo hiểm xã hội của mỗi người) nhưng chưa hưởng trợ cấp thôi việc, mất việc làm hoặc chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc chưa hưởng chế độ phục viên, xuất ngũ.
Trường hợp tổng thời gian để tính trợ cấp có tháng lẻ thì được tính tròn theo nguyên tắc từ 1 tháng đến đủ 6 tháng tính là 0,5 năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng tính tròn là 1 năm. Thời gian để tính trợ cấp theo số năm nghỉ hưu trước tuổi cũng được tính theo nguyên tắc tương tự.
Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chính sách, chế độ nghỉ việc là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh. Trường hợp trong hồ sơ không xác định ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1-1 của năm sinh.
Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi nghỉ việc, bao gồm mức tiền lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp hoặc mức lương theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng lao động và các khoản phụ cấp lương theo quy định.
Bộ Nội vụ cho hay cần 130.000 tỉ đồng để thực hiện chính sách, chế độ nêu trên. Trong đó, bao gồm 111.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỉ đồng kinh phí chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỉ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỉ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Dự kiến, nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc thực hiện tinh giảm biên chế, theo Bộ Nội vụ sẽ làm giảm chi thường xuyên và giảm kinh phí từ ngân sách nhà nước để đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc (22%); 10% quỹ tiền thưởng.
Đồng thời, ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định 29/2023 (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý... Trong năm năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng trên 113.000 tỉ đồng.
Không hồi tố với những trường hợp từ 31-12-2024 trở về trước
Dự thảo cũng nêu rõ với cán bộ, công chức; cán bộ, công chức cấp xã và người lao động (trừ người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập) thì kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị và nguồn hợp pháp khác.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước do nhà nước đảm bảo một phần chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ từ nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị, nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn hợp pháp khác.
“Ngân sách nhà nước sẽ bố trí kinh phí giải quyết chính sách, chế độ trên số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao” – dự thảo của Bộ Nội vụ nêu rõ.
Còn với đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, kinh phí giải quyết chính sách, chế độ do ngân sách nhà nước cấp.
Ngân sách nhà nước chuyển một lần khoản kinh phí tương đương với số tiền đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho thời gian cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ hưu trước tuổi trong thời gian từ đủ 5 năm đến đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà không bị trừ tỉ lệ hưởng lương hưu.
Theo đề xuất của Bộ Nội vụ, nghị định này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2025. Không hồi tố đối với những người đã hưởng chính sách, chế độ do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quy định từ 31-12-2024 trở về trước.
Được nâng lương vượt bậc
Một trong các chính sách, chế độ đối với cán bộ, người lao động mà Bộ Nội vụ đề xuất là trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội.
Dự thảo nghị định nêu rõ bốn chế độ, gồm được nâng lương vượt một bậc (36 tháng đối với ngạch, chức danh có trình độ từ cao đẳng trở lên và 24 tháng đối với ngạch, chức danh có trình độ trung cấp). Tỉ lệ cán bộ được hưởng chính sách này nằm trong tỉ lệ không quá 10% tổng số cán bộ được nâng bậc lương trước thời hạn do lập thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Chế độ khác là cán bộ được hưởng tiền thưởng do Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định trong tối đa 50% quỹ tiền thưởng. Đồng thời được quan tâm, ưu tiên quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí vào vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả vượt cấp trên.
Đặc biệt, cán bộ được hưởng chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Nghị định khác của Chính phủ.