Bỏ quyền khởi tố vụ án của tòa, nên hay không?

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng bỏ quy định tòa án có thẩm quyền khởi tố vụ án tại phiên tòa là cần thiết và tiến bộ nhưng cũng có ý kiến trái chiều…
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND, TAND Tối cao đề xuất bỏ quy định tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.

Lý do đưa ra là việc ra quyết định khởi tố vụ án thuộc chức năng của cơ quan điều tra, công tố. Tòa án là cơ quan xét xử nhưng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự sẽ ảnh hưởng đến tính khách quan trong quá trình xét xử vụ án đó.

Không khách quan khi vừa khởi tố vừa xét xử

ThS Trần Thanh Thảo (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng hiến pháp và Luật Tổ chức TAND quy định tòa án có hai chức năng là xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Trong khi đó, chức năng khởi tố vụ án hình sự thuộc về chức năng buộc tội. Hiến pháp không cho phép tòa án thực hiện chức năng buộc tội. Như vậy, quy định tòa án có quyền ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa là không phù hợp với hiến pháp và Luật Tổ chức TAND.

Một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HỮU ĐĂNG

Một phiên tòa hình sự tại TAND TP.HCM. Ảnh minh họa: HỮU ĐĂNG

Cạnh đó, việc cho phép tòa án khởi tố tại phiên tòa không đảm bảo tính độc lập, khách quan, vô tư của tòa án trong việc giải quyết vụ án hình sự khi tòa án là chủ thể phát động tố tụng thông qua quyết định khởi tố vụ án. Và sau đó, cũng chính tòa án là chủ thể có thẩm quyền xét xử vụ án đó.

Đồng tình, luật sư (LS) Lê Doãn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng tòa án là cơ quan xét xử mà khởi tố vụ án sẽ không khách quan và triệt tiêu nguyên tắc suy đoán vô tội. Cho nên việc sửa quy định theo hướng bỏ quyền khởi tố vụ án hình sự là một sự tiến bộ, đi đến sự thống nhất và hoàn thiện trong hoạt động tố tụng.

Theo ThS Trần Thanh Thảo, để công tác xét xử của tòa án đạt hiệu quả cũng như đảm bảo chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đòi hỏi tòa án phải hoàn thành tốt vai trò trung gian. Tức là tòa án sẽ xem xét các chứng cứ buộc tội và gỡ tội mà các bên đưa ra để làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo phán quyết của mình phản ánh kết quả tranh tụng của các bên tại phiên tòa.

Trong khi đó, để ra quyết định khởi tố vụ án thì HĐXX lại phải tập trung vào việc kiểm tra, xác minh nguồn thông tin về tội phạm mới hoặc người phạm tội mới để đảm bảo quyết định khởi tố vụ án của mình là có căn cứ. Việc này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng xét xử của tòa án cũng như hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa. Vì vậy, theo ThS Thảo, việc sửa đổi theo hướng bỏ quy định này là cần thiết.

Cần phân biệt khởi tố vụ án và khởi tố bị can

Ngược lại, LS Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự, TAND TP.HCM) cho rằng cần phân biệt rõ khởi tố vụ án và khởi tố bị can là các giai đoạn tố tụng khác nhau. Quy định tại phiên tòa, sau khi nghị án, cùng với tuyên án, tòa có thể ra quyết định khởi tố vụ án là thực hiện đúng chức năng tòa án có quyền tư pháp mà hiến pháp và Luật Tổ chức TAND đã quy định.

Theo LS Long, cần lưu ý là Điều 153 BLTTHS quy định thông qua xét xử, tòa án có thể khởi tố vụ án nếu phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm. Quy định này nhấn mạnh đến ba yếu tố: Một là thông qua xét xử, hai là khởi tố vụ án (chứ không phải khởi tố bị can), ba là việc bỏ lọt tội phạm (không phải là dấu hiệu bỏ lọt tội phạm).

Theo LS Lê Doãn Tuấn, tòa án là cơ quan xét xử mà khởi tố vụ án sẽ không khách quan và triệt tiêu nguyên tắc suy đoán vô tội.

Theo LS Long, về ý kiến cho rằng trong trường hợp tòa án phát hiện lọt người, lọt tội thì phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, điều này là đúng nhưng chỉ trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Còn tại phiên tòa, nếu phát hiện có tình tiết bỏ lọt tội phạm thì HĐXX cũng có thể ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng không được tuyên án.

Đối với một số trường hợp, tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng VKS và cơ quan điều tra không thực hiện thì tòa án phải khởi tố vụ án nếu thông qua xét xử mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Cũng theo LS Long, về lo ngại sẽ không được khách quan khi tòa án vừa khởi tố rồi sau đó lại xét xử là không đúng, vì chủ thể có thẩm quyền xét xử theo quy định của tố tụng hình sự là HĐXX. Và khi đã tham gia giải quyết xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm thì sẽ không được phân công giải quyết hồ sơ đó một lần nữa.

BLTTHS quy định trong thời hạn 24 giờ kể từ khi khởi tố vụ án, tòa án phải giao quyết định đó cùng với tài liệu liên quan đến VKS cùng cấp. Đồng thời, điểm c Điều 161 BLTTHS cũng quy định trường hợp quyết định khởi tố vụ án hình sự của HĐXX không có căn cứ thì VKS kháng nghị lên tòa án trên một cấp.

Thực tế tại TAND TP.HCM có nhiều vụ án đã được khởi tố tại phiên tòa, kết quả là không để lọt tội phạm, điều này là rất đáng khích lệ. Còn tâm lý chung của HĐXX là chỉ kiến nghị VKS khởi tố, đây cũng là hoạt động tố tụng cho phép nếu việc phát hiện tội phạm nhưng không chắc chắn cần phải điều tra thêm để khởi tố thì kiến nghị.

Chỉ mang tính hình thức

Theo LS Lê Doãn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), thực tế cũng cho thấy HĐXX nói riêng hay tòa án nói chung đều rất “e ngại” trong việc thực hiện quyền khởi tố vụ án hình sự của mình. Trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì thông thường họ sẽ trả hồ sơ để xem xét về dấu hiệu tội phạm, bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, quy định này trên thực tế chỉ mang tính hình thức, trao quyền nhưng không hoặc hiếm khi HĐXX thực hiện.

Do đó, LS Tuấn cho rằng chỉ nên quy định nếu tại phiên tòa, HĐXX phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì có quyền làm văn bản kiến nghị gửi cơ quan điều tra hoặc VKS khởi tố vụ án. Đồng thời, tòa án sẽ chuyển những thông tin, tài liệu cho những cơ quan này theo quy định của BLTTHS 2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm