Vừa qua, vụ việc liên quan đến vụ án bà Điệp tại TP.HCM với hành vi dùng 2 g thuốc diệt chuột cho vào nồi nước lèo bán bún bò, bún riêu của Trần Thị Bạch Tuyết. Sau khi sự việc phát hiện ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời lấy mẫu giám định. Quá trình giải quyết, CQĐT đã đình chỉ vụ án, VKSND TP.HCM kết luận việc đình chỉ là có căn cứ.
Cấu thành tội giết người hay chưa?
Theo CQĐT và VKSND TP.HCM thì hành vi của bà Điệp chưa cấu thành tội phạm bởi: Số thuốc diệt chuột không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và hậu quả chưa xảy ra (hành vi khách quan); hành vi nhằm phá hoại không cho bà Tuyết bán hàng cho khách và không có ý thức giết người (mặt chủ quan). Dựa trên các cơ sở đó thì phía VKSND TP.HCM đã cho rằng hành vi đình chỉ của CQĐT là có căn cứ.
Thế nhưng xét về lý luận, mặt chủ quan của tội giết người bao gồm các dấu hiệu như lỗi, động cơ, mục đích... trong đó phần lỗi là dấu hiệu rất quan trọng để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội.
Lỗi của tội giết người là lỗi cố ý (có thể cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp). Đối chiếu với vụ án bà Điệp theo thông tin trước giữa bà Điệp và bà Tuyết đã phát sinh mâu thuẫn, xích mích, vì nguyên nhân đó mà bà Điệp đã có hành vi cho thuốc chuột vào nồi nước bún. Lập luận của hai cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng ý thức của bà Điệp không muốn giết người và hậu quả chưa xảy ra.
Lập luận của cơ quan tiến hành tố tụng trường hợp này là chưa phù hợp, bởi lẽ pháp luật bắt buộc bà Điệp phải nhận thấy trước hành vi của mình có thể gây chết người.
Bà Điệp là người có năng lực hành vi đầy đủ, đủ để nhận thức được thuốc chuột là một loại chất kịch độc, hành vi cho thuốc chuột vào nồi nước như vậy sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người ăn (CQĐT đã xác định thuốc mà bà Điệp dùng là loại thuốc kịch độc thuộc nhóm 1).
Đồng thời, đây được xác định là công cụ, phương tiện có tính năng làm chết nhiều người, là một trong những tình tiết định khung tặng nặng được quy định tại điểm l khoản 1 Điều 93 BLHS (giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người).
Do đó, cần xác định lỗi của bà Điệp là lỗi cố ý gián tiếp (một dạng lỗi trước khi thực hiện hành vi đã thấy trước được hậu quả, tuy không mong muốn nhưng có ý để mặc cho hậu quả xảy ra).
Phạm tội chưa đạt
Kết luận của hai cơ quan tiến hành tố tụng xác định “Số thuốc diệt chuột chưa đủ lượng để gây ngộ độc chết người và hậu quả chưa xảy ra” và dựa trên căn cứ này để ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án là chưa hợp lý.
Bởi hành vi của bà Điệp đã thỏa mãn bốn yếu tố cấu thành tội phạm; quan trọng nhất là hành vi khách quan và ý thức chủ quan. Việc xác định lượng thuốc chưa đủ gây ngộ độc hoặc thực tế hậu quả chưa xảy ra đây chỉ là các yếu tố định lượng hình phạt, không phải yếu tố định tội danh.
Hành vi bà Điệp rơi vào trường hợp “phạm tội chưa đạt”, cụ thể là trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, nó có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt theo Điều 52 BLHS: “Phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội đã thực hiện đầy đủ các hành vi mà ý thức chủ quan của họ cho rằng cần thiết để gây ra hậu quả thế nhưng vì những lý do khách quan mà hậu quả chưa xảy ra”.
Khoản 3 Điều 52 BLHS quy định:
“3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì chỉ có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định”
Dấu hiệu tội phạm trong vụ án đã thể hiện rõ và hành vi phạm tội đã đủ yếu tố cấu thành do đó việc đình chỉ giải quyết vụ án của hai cơ quan tiến hành tố tụng nói trên là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật hình sự cũng như sẽ gây ra tiền lệ xấu cho các hành vi phạm tội sau này.
Nội dung vụ việc Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, chị Trần Thị Bạch Tuyết nấu bún bò, bún riêu bán đồ ăn sáng trước nhà số 73D Nam Cao, khu phố 1, phường Tân Phú, quận 9, TP.HCM. Rạng sáng 25-12-2016, chị Tuyết dọn hàng ra rồi chạy đi chợ. Do mâu thuẫn trong cuộc sống nên bà Hồ Thị Ngọc Điệp (cô chồng của chị Tuyết) đã lén đổ một gói thuốc vào nồi nước lèo. Ngày 12-1-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án giết người, đồng thời thu giữ hai mẫu nước lèo gửi về Phân viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) để phân tích. Kết quả xét nghiệm cho thấy cả hai mẫu phẩm nước lèo đều có sự hiện diện của thuốc diệt chuột, chất kịch độc thuộc nhóm 1, gây nguy hiểm cho người và gia súc khi sử dụng. Tại CQĐT, bà Điệp thừa nhận chính bà là người đã bỏ thuốc chuột vào nồi nước lèo của chị Tuyết. Tuy nhiên, đến ngày 27-7-2017, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đình chỉ điều tra vụ án. Theo Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, sau khi điều tra, nhận thấy hành vi dùng 2 g thuốc diệt chuột bỏ vào nồi nước lèo của bà Điệp không đủ lượng để gây ngộ độc chết người và chỉ nhằm phá hoại không cho chị Tuyết bán hàng cho khách, không có ý thức giết người và thực tế sự việc bị phát hiện nên hậu quả chưa xảy ra. Do đó, hành vi của bà Điệp không cấu thành tội giết người. Căn cứ khoản 2 Điều 107 BLTTHS, CQĐT đã đình chỉ điều tra vụ án hình sự này. |