Bộ TN&MT sẽ giải quyết nhanh thủ tục chuyển đổi đất rừng

Về vấn đề này, ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết đối với các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất rừng, theo Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản hướng dẫn thì phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Đây là một nội dung trong chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án. Tuy nhiên, luật này không quy định, quyết định chủ trương trên làm trước hay là sau việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Trong khi đó, Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thì không quy định riêng về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh đối với dự án có đề xuất chuyển mục đích sử dụng rừng.

Ông Tiến nói trong quy trình thẩm định các dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tổng cộng là 35 ngày. Sở KH&ĐT có ba ngày rà soát, 25 ngày thẩm định (trong đó 15 ngày để lấy ý kiến sở, ban, ngành khác). Sau đó báo cáo lên UBND tỉnh và tỉnh có bảy ngày để quyết định. Như vậy, không có quy trình chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của HĐND cấp tỉnh.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng không có hướng dẫn chủ trương đầu tư và chủ trương sử dụng rừng cái nào có trước, cái nào có sau. Vì vậy, các dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tỉnh đều trả lời chưa đủ điều kiện để chấp thuận chủ trương.

“Các quy định pháp luật cần phải sửa đổi rõ ràng, thủ tục đó có cần thiết hay không. Như trường hợp dự án đã phù hợp với quy hoạch thì nên chăng xem lại quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này nằm chung quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất luôn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp” - ông Tiến kiến nghị.

TS Phạm Văn Võ, Phó Trưởng Khoa luật thương mại, Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt vấn đề: Có quy hoạch, có chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng rừng, có số lượng, xác định rõ về quy hoạch… Vì vậy, cần xem xét có văn bản chấp thuận của Chính phủ để chuyển mục đích sử dụng đất rừng nữa hay không.

Ông Võ cho rằng không nên thiên về hướng cực đoan mà nên kết hợp hài hòa. Rừng có nhiều loại như rừng phòng hộ, rừng ven biển, đầu nguồn... Trong đó rừng phòng hộ ven biển đa số là rừng trồng giá trị sinh thái không cao, kể cả khi có làm dự án thì nhà đầu tư cũng trồng lại rừng này. Khi trồng rừng thay thế thì cũng đảm bảo diện tích rừng phòng hộ.

“Một năm có cả trăm dự án ở Phú Yên. Chúng ta cũng không thể họp HĐND chỉ để thông qua dự án chuyển mục đích sử dụng rừng mà nên có nghị quyết chung cho từng năm một chứ không chỉ cho một dự án cụ thể” - ông Võ góp ý.

Ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp, đồng tình: “Về thẩm quyền UBND tỉnh trong chuyển mục đích sử dụng đất rừng, chúng ta cần sửa đổi thống nhất quy trình, rà soát có thể bỏ việc này trong Luật Đầu tư và có thể đưa vào luật chuyên ngành”.

Các doanh nghiệp nêu vướng mắc trong đầu tư CCN tại Hội thảo "Gỡ vướng pháp lý để thu hút đầu tư" ngày 18-12.

Về phía Bộ TN&MT, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai, cho rằng vướng mắc mà các nhà đầu tư phản ánh chủ yếu là về mặt thủ tục hành chính.

Theo bà Vân Anh, Chính phủ luôn lắng nghe và xem xét các vướng mắc của địa phương. Trong đợt quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép phân cấp đề nghị chấp thuận chuyển đổi đất rừng cho HĐND tỉnh. “Nghĩa là Thủ tướng sẽ phân cấp thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng về cho HĐND cấp tỉnh chứ không như hiện nay, dự án trên 20 ha là phải Thủ tướng quyết. Hướng là như thế nhưng hiện nay nội dung này Quốc hội đang đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và nếu có sửa thì sẽ sửa tại Luật Đất đai” - bà Vân Anh nói.

Bà Vân Anh cũng cho hay trong lúc Luật Đất đai 2013 chưa sửa thì Bộ TN&MT cũng cải tiến quy trình để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Theo đó, trong hồ sơ xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ TN&MT sẽ không lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ NN&PTNT nữa, mà sẽ tổ chức một cuộc họp, mời Bộ NN&PTNT và địa phương có liên quan cùng họp để thống nhất.

“Sau khi đã tổ chức cuộc họp, thậm chí là họp trực tuyến, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ xem xét luôn. Trước đây, thời gian kéo dài là do chờ ý kiến của các bộ, ngành, sau khi có ý kiến các bộ, ngành thì mới trình Thủ tướng” - bà Vân Anh nói.

Bà cũng thông tin hướng soạn thảo sửa Luật Đất đai 2013 của Bộ TN&MT là yêu cầu quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất có rừng. Bởi vì rừng liên quan đến giữ đất, giữ nước, phòng tránh thiên tai. Tuy nhiên, để cải cách thủ tục hành chính, bộ sẽ có hướng quy định phân cấp, cơ chế để quản lý thẩm quyền của địa phương, sẽ hậu kiểm chứ không tiền kiểm như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm