Ngày 8-7, tại TP.HCM, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị với các địa phương sơ kết sáu tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác sáu tháng cuối năm 2024.
Sắp xếp ĐVHC: Đến hết ngày 30-9
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận ngành Nội vụ là lĩnh vực tác động trực tiếp, đồng bộ, toàn diện cho hệ thống hành chính nhà nước, Chính phủ, chính quyền địa phương.
Một động thái, một thể chế, một chính sách của ngành Nội vụ ban hành, kể cả cấp Trung ương và địa phương, đều tác động lên bộ máy tổ chức và con người trong hệ thống công và một bộ phận ngoài công lập.
Do đó, mọi việc phải thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản, khoa học và nghiên cứu thấu đáo, đảm bảo mục tiêu lớn nhất là xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ.
Nhấn mạnh các điểm nổi bật của ngành Nội vụ trong sáu tháng đầu năm, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết toàn ngành đã rất nỗ lực, quyết tâm để thực hiện những nhiệm vụ mới, khó, phức tạp nhưng đã rất thành công.
Trong đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, xã mà ngành Nội vụ đang làm là việc mang tính cách mạng trong tổ chức bộ máy và bước đầu có được thành công rất rõ.
Trước đó, giai đoạn 2019-2021, cả nước đã thực hiện sắp xếp rất tốt, giải quyết căn bản những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh và hiện đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện cho giai đoạn 2023-2025.
Bà cho biết đến thời điểm này có 28/53 đơn vị nằm trong diện sắp xếp đã hoàn thành được đề án. Bộ Nội vụ đã thẩm định 14 hồ sơ và đã trình Chính phủ năm hồ sơ.
Theo bà, một số địa phương thực hiện tiêu biểu, nổi bật, dẫn dắt và thực sự tiên phong, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm như: Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nghệ An, Sóc Trăng, Cần Thơ…
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh điểm quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ này là sự tham mưu của giám đốc Sở Nội vụ rất tốt, bài bản, thể hiện năng lực, sự năng động, linh hoạt và dám làm.
“Những khó khăn, vướng mắc sẽ được tiếp tục tháo gỡ nhưng với một tinh thần càng khó thì chúng ta càng quyết tâm và sẽ thành công” – bà nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, thúc đẩy tiến độ sắp xếp ĐVHC bởi so với mục tiêu, yêu cầu, việc thực hiện vẫn còn chậm. Hiện còn 25 địa phương chưa chuyển hồ sơ về Bộ Nội vụ thẩm định.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định địa phương nào không thực hiện xong thì địa phương đấy phải chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ… Bắt buộc 53 địa phương nằm trong diện sắp xếp ĐVHC phải xong và gọn để đến ngày 30-9 phải kết thúc việc này, báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện, không để chậm được.
Bà thông tin sắp tới Bộ Nội vụ sẽ làm việc với 2-3 địa phương đang có tiến độ rất chậm và có vẻ có cái dấu hiệu của sự chậm trễ, chần chừ, chưa quyết liệt.
Sửa 4 luật để hóa giải 'cán bộ sợ sai'
Bên cạnh những mặt làm được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết ngành đã cố gắng xử lý tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, sợ sai nhưng chưa đảm bảo được tính pháp lý cao nhất để có thể khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Theo bà Phạm Thị Thanh Trà, Nghị định 73/2023 chưa vượt qua được quy định pháp luật có liên quan.
“Chính vì vậy, chúng ta phải tiếp tục sửa bốn Luật gồm: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Chính quyền địa phương, Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức để hóa giải những vấn đề này. Qua đó, đáp ứng được yêu cầu khuyến khích cán bộ, ngăn chặn tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm” - bà Trà khẳng định.
Bà thông tin trong sáu tháng cuối năm 2024, Bộ Nội vụ sẽ tập trung hoàn thành các bộ hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền cho sửa đổi, bổ sung bốn Luật nêu trên vào năm 2025.
Tinh giản biên chế: Không bàn lùi
Về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn.
“Giao biên chế thế nào, cách thức ra sao để thực hiện quản lý biên chế trong giai đoạn này, đảm bảo giảm 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước và giảm được 5% biên chế công chức” – bà nói và nhìn nhận đây là thách thức, nếu không nỗ lực tháo gỡ thì rất khó đạt mục tiêu.
Bà Trà nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là không có bàn lùi, chúng ta phải lan tỏa tinh thần này, quyết tâm thực hiện. Nếu làm càng khó thì càng phải bàn và càng phải quyết tâm chứ không thể có chuyện bàn lùi được.