Ngày 9-7, tại cuộc họp giao ban trực tuyến sáu tháng đầu năm, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết cơ quan này vừa báo cáo Thủ tướng về ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam.
Theo đó, đây không chỉ đơn thuần là cuộc chiến về mặt kinh tế mà còn là cạnh tranh quyền lực, là cuộc chiến về bản quyền, công nghệ, chính sách tiền tệ... giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng cho rằng việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn tới nguy cơ các sản phẩm nước này gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ... tràn vào Việt Nam. Do đó Việt Nam cần có đánh giá kỹ những tác động từ nhiều chiều để nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tại cuộc họp trực tuyến sáu tháng đầu năm. Ảnh: Bộ Công Thương
Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho hay thách thức với Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là hiện hữu do Việt Nam đã hội nhập, mọi biến động kinh tế thế giới đều có thể tác động tới. Theo ông, điểm khó trong cuộc chiến này là không ai biết nó sẽ kết thúc khi nào, một tháng, một năm hay lâu hơn nữa, khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần phải coi năng lượng là hạ tầng thiết yếu để phát triển nền kinh tế. Nếu không có hạ tầng này thì gây ách tắc và hệ lụy cho nền kinh tế. Do đó, Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam chú trọng tái cơ cấu ngành điện; nâng cao hiệu quả trong vận hành hệ thống; đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo hiệu quả bền vững.
Đối với công tác cải cách hành chính, Bộ trưởng nhấn mạnh đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ưu tiên, xuyên suốt của Bộ Công Thương trong ba năm trở lại đây. Nhắc đến các vị trí xếp hạng Par Index hay chính phủ điện tử năm 2017, Bộ trưởng thẳng thắn chia sẻ Bộ Công Thương không đấu tranh “đòi” vị trí cao mà chúng ta phải làm thực chất, phải có tác dụng thực sự đối với người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng chỉ đạo cần xác định chúng ta còn tồn đọng gì và quan trọng là tồn đọng đó ảnh hưởng như thế nào đến sự vận hành, đến quá trình cải cách của chúng ta để khắc phục một cách triệt để.
Bộ trưởng yêu cầu nỗ lực lớn cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tái cơ cấu một cách hiệu quả các lĩnh vực của ngành, đảm bảo yêu cầu tăng trưởng kinh tế; bám sát tình hình thị trường trong nước và ngoài nước, hoạt động đầu tư sản xuất, đảm bảo chiến lược công nghiệp hóa, chiến lược hội nhập; tập trung theo chức năng, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ, giải quyết tồn đọng đối với 12 dự án thua lỗ, phải có giải pháp quyết liệt hơn; giám sát thị trường nước ngoài; rà soát tổng thể các hiệp định thương mại, dự báo tình huống phức tạp có thể xảy ra, đồng thời có biện pháp linh hoạt, ứng phó kịp thời với các khó khăn.
Báo cáo tóm tắt về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại sáu tháng đầu năm của ngành công thương, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Dương Duy Hưng cho biết sáu tháng đầu năm 2018 GDP cả nước ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của sáu tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%. Với những kết quả đạt được trong sáu tháng đầu năm, ngành công thương xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong sáu tháng cuối năm nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018 gồm: Một là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp. Hai là, khơi thông thị trường xuất khẩu. Ba là, tăng cường quản lý nhà nước về phát triển thương mại trong nước. |