Sáng 21-8, tiếp tục phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các Bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện sáu nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
7 năm Việt Nam giảm gần 20.000 tàu
Đại biểu (ĐB) Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho hay trong năm 2024, ngành thủy sản nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều thách thức từ thị trường, giá bán đến các thách thức do những rào cản thương mại. Bà cũng đặc biệt nhắc đến bối cảnh đã gần bảy năm Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng (IUU) của Ủy ban châu Âu (EC) về hoạt động thủy sản.
Bà Trần Thị Nhị Hà đề nghị Bộ trưởng NN&PTNT cho biết đến thời điểm hiện tại, Bộ đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào trong quá trình thực hiện vận động Ủy ban châu Âu gỡ bỏ thẻ vàng về thủy sản đối với Việt Nam. “Bộ trưởng có cam kết cụ thể nào để giải quyết vấn đề này?” - bà Hà chất vấn.
Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan một lần nữa khẳng định thẻ vàng IUU không phải là biện pháp EU áp đặt chúng ta. IUU là ba hành vi đã được ghi trong Luật Thủy sản năm 2017 về khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không đúng quy định.
“Do chúng ta thực thi nội luật của mình chưa tốt, nhờn luật dẫn đến câu chuyện bị áp đặt thẻ vàng bảy năm qua” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chiến lược phát triển thủy sản bền vững được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dựa trên ba trụ cột là giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển. Ba trụ cột này liền mạch với nhau để giải quyết một vấn đề là làm sao để bảo đảm trữ lượng thủy sản dành cho thế hệ mai sau.
Bộ trưởng khẳng định trong bảy năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành quả nhất định. Ông dẫn chứng chúng ta đã giảm từ hơn 100.000 chiếc tàu xuống còn khoảng 86.000 chiếc.
“Việc giảm gần 20.000 tàu trong bảy năm là vấn đề không đơn giản đối với bà con ngư dân, những người vất vả mưu sinh trên biển”- ông Hoan nói.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, đối chiếu với các quốc gia lân cận (Thái Lan, Indonesia, Campuchia), bình quân số lượng tàu còn quá nhiều so với vùng biển của chúng ta.
“Có rất nhiều trường hợp, khi của cải ít mà người có nhu cầu nhiều sẽ sinh ra những vấn đề nội tại phải giải quyết. Không chỉ là vấn đề IUU mà còn là sự phát triển bền vững của nền thủy sản nước nhà” - vẫn lời ông Lê Minh Hoan.
28 địa phương có biển đã có lực lượng kiểm ngư
Bộ trưởng NN&PTNT cho hay sau khi tổ chức lại hệ thống kiểm ngư, đến thời điểm này 28 địa phương ven biển đều có lực lượng kiểm ngư.
Ông cũng thông tin về hai thể chế ban hành gần đây, liên quan đến lĩnh vực này.
Thứ nhất là Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản
Thứ hai là Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về hình sự những trường hợp vi phạm liên quan đến IUU. Bắt đầu từ đầu tháng 8 đã triển khai nghị quyết này.
Theo ông, Việt Nam chuẩn bị tiếp các đoàn thanh tra EU. Chúng ta phải chứng minh được một điều về sự cải thiện những trường hợp kết luận của đoàn thanh tra đưa ra. Cạnh đó, phải tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cùng vào cuộc trong tháng cao điểm để chuẩn bị tiếp đoàn thanh tra của EU.
“Việt Nam có 28 tỉnh ven biển, cấu trúc ngành thủy sản hơi rời rạc. Nếu ngành nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát như thế nào thì ngành ngư nghiệp còn hơn thế. Hơn 500.000 - 600.000 ngư dân trên biển hàng ngày khai thác, hầu như rất ít có tổ chức tập thể nào mà chỉ từng chủ tàu, từng thuyền trưởng, từng đầu nậu, từng doanh nghiệp đi riêng với nhau” - lời Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan.
Từ đó, ông Hoan đề nghị các tỉnh ven biển quan tâm nhiều hơn tới các thiết chế quản lý nguồn lợi thủy sản theo hướng cộng đồng.
"Nói cách khác, không tuyệt đối hóa quyền lực nhà nước trong quản lý nguồn lực thủy sản" - ông nói và nhấn mạnh những hoạt động thủy sản diễn ra từng ngày, từng giờ, chúng ta đã quy định từng mắt lưới cho ngư dân đánh bắt để bảo vệ những con cá nhỏ...
Chính sách nói trên, theo Bộ trưởng, nhiều địa phương đã áp dụng rất thành công như Hòn Yến (Phú Yên), Hà Tĩnh, Quảng Nam…
Quản lý hành trình tàu cá bằng công nghệ số
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng cho hay vừa qua Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chứng kiến Trung tâm giám sát nghề cá để quản lý hành trình trên phương tiện công nghệ số.
Tuần tới, Hòn Rớ (Nha Trang) là điểm đầu tiên sẽ lắp màn hình ở cảng cá để mọi hoạt động xuất nhập bến ở trong phòng đều được kiểm soát ở bên ngoài.
“Mọi con tàu đều có danh sách thuyền trưởng, thuyền viên và hình ảnh kèm theo. Mọi hành vi từ lúc thuyền trưởng xuất bến bắt đầu hải trình đều được định vị trên mạng lưới vệ tinh” - ông Hoan nói việc này giúp giải quyết các vấn đề vi phạm thời gian qua như ngắt kết nối, dồn thiết bị giám sát vào một tàu…
Sau cùng, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng chúng ta nói “nghề cá” nhưng chưa bao giờ ứng xử với những người ngư dân khai thác như một người làm nghề.
“Chúng tôi có thống kê nhân lực cho ngành ngư nghiệp rất yếu, khoảng trên 60% là tốt nghiệp cấp 1, đặc biệt có những người không biết chữ.
Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường nhận thức cho ngư dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
"Chúng ta không cần tiến sỹ hay những người có học hàm, học vị cao nhưng người khai thác phải biết được kỹ năng, kiến thức để làm sao khai thác ít hơn nhưng được hiệu quả nhiều hơn” - vẫn lời Bộ trưởng Lê Minh Hoan.