Ngày 29-12, phát biểu tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt câu hỏi: Ngành thông tin và truyền thông phải làm gì ở Việt Nam để đặt mục tiêu năm 2030 trở thành nước có thu nhập trung bình cao?.
Khi đó, xếp hạng về thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ vào nhóm top 100 toàn cầu. Hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng khoảng 120, nhưng hạ tầng số, công nghệ số, công nghiệp số phải đi trước, đi nhanh hơn, năm 2030 phải thuộc nhóm top 50 toàn cầu, tức là cao gấp đôi xếp hạng kinh tế.
Đây là mục tiêu mà Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra cho ngành thông tin và truyền thông.
Theo Bộ trưởng, trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến nhanh nhất trong khu vực, thế giới. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, Việt Nam đặt ra mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, với các chỉ số về hạ tầng số, công nghệ số, kinh tế số và Chính phủ điện tử đều nằm trong nhóm top 50 thế giới.
Đề cập đến sự hợp nhất giữa Bộ TT&TT và Bộ Khoa học- Công nghệ (KH&CN), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hai bộ hợp nhất với nhau phải tìm được điểm chung, cộng hưởng được thì mới mạnh lên.
Bộ KH&CN quản lý về phát triển công nghệ nói chung. Bộ TT&TT quản lý công nghệ thông tin, công nghệ số, là công nghệ cốt lõi, nền tảng cho tất cả các ngành, lĩnh vực khác. Công nghệ số là các công nghệ năng động, quan trọng nhất hiện nay.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tên của Bộ TT&TT thực ra là Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông; nhưng trước đây Quốc hội thấy hai bộ đều có chữ công nghệ nên cắt chữ công nghệ và tên bộ trở thành Bộ TT&TT.
Tên mới của bộ hợp nhất là Bộ Khoa học- Công nghệ và Truyền thông, vừa bao quát được hết các lĩnh vực của hai bộ, vừa thể hiện được sự cộng hưởng của hai bộ là công nghệ.
Phát triển công nghệ thì chủ yếu là doanh nghiệp, hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ số thuộc quản lý của Bộ TT&TT sẽ tiếp cận được nhanh hơn với các kết quả nghiên cứu của Bộ KH&CN, làm cho khoa học, công nghệ gần với doanh nghiệp, đưa nhanh hơn các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thành các sản phẩm phục vụ cuộc sống.
Theo Bộ TT&TT, lĩnh vực an toàn thông tin đã bảo vệ 1,3 triệu người dân, không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Lĩnh vực đã xử lý 8.558 website lừa đảo, vi phạm pháp luật. Tỉ lệ tin xấu, độc, sai sự thật được phát hiện và xác minh trên mạng xã hội được ngăn chặn, xử lý nghiêm, kịp thời trong năm ước đạt khoảng 92,7%, tăng 0,4 điểm % so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng tài khoản người dùng Việt Nam thường xuyên sử dụng mạng xã hội Việt Nam đạt 110 triệu tài khoản, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.