Ngày 4-11, Quốc hội (QH) tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng.
Về vụ xử lý bà Nguyễn Phương Hằng livestream
Đại biểu (ĐB) QH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) đặt vấn đề liệu có phải Bộ TT&TT lúng túng, chậm xử lý các vụ mạng xã hội báo hóa, thông tin bôi nhọ... Điển hình là vụ bà Nguyễn Phương Hằng thường xuyên đưa tin, không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng biện giải khi xảy ra vụ Phương Hằng còn “thiếu hành lang pháp lý” để xử lý. Hiện đang dự thảo sửa đổi Nghị định 72 và cuối năm nay Thủ tướng ký ban hành. “Nghị định này quy định rất rõ chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream. Đã livestream là phải công bố địa điểm, thời gian. Và nếu livestream để bán hàng có thu tiền thì phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chưa hài lòng, đại biểu Lê Hoàng Anh bấm nút tranh luận: “Câu hỏi tôi đặt ra là vì sao chậm, lúng túng trong xử lý vụ việc vi phạm pháp luật của bà Nguyễn Phương Hằng trên mạng xã hội và trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như việc xử lý tập thể, cá nhân quản lý nhà nước để xảy ra việc này. Bộ rút kinh nghiệm về việc này như thế nào?”.
|
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại phiên chất vấn sáng 4-11. Ảnh: QH |
Lật lại một số vụ việc mà cơ quan quản lý nhà nước về thông tin truyền thông đã xử lý vi phạm trên mạng xã hội, ông thấy rằng các cơ quan xử lý rất nhanh chứ không phải như Bộ trưởng nói là “thiếu hành lang pháp lý khi vụ của bà Nguyễn Phương Hằng xảy ra”.
“Phải chăng những người vi phạm ít tiền hay không có tiền thì xử lý ngay và luôn (xử lý) được. Còn người có tiền thì sẽ chậm và nghe ngóng trước, xử lý sau” - ĐB Gia Lai hỏi.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lại viện dẫn: “Tổng bí thư nói cái gì chín rồi, rõ rồi, đồng thuận rồi thì mới đưa vào luật. Cái gì chưa rõ thì thí điểm, cân nhắc”. Cùng với đó, ông Hùng cho rằng quản lý nhà nước phải “chắc tay” mới làm được, chưa “chắc tay” thì không làm.
Cũng theo ông Hùng, khi Nguyễn Phương Hằng livestream, đó là công nghệ hoàn toàn mới, tất cả thể chế chưa có quy định về việc này. Lúc đó, chúng ta dùng các hình thức khác để xử lý, phạt hành chính và chuyển cơ quan điều tra. “Bây giờ đưa vào nghị định thì chắc chắn chúng ta sẽ xử lý rất gọn gàng” - ông Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: “Không có chuyện nhà nước XHCN lại có chuyện không có tiền thì xử lý, có tiền thì không xử lý”.
Lừa đảo qua mạng: Vấn đề không chỉ ở Việt Nam
Nhiều ĐB chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn và thông tin xấu, độc...
Các ĐB như Lê Thị Song An (Long An), Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên)… cùng nhiều ĐB khác đã chất vấn về xử lý tin xấu, độc…
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay lừa đảo qua mạng là vấn đề không chỉ có ở Việt Nam (VN) mà hầu hết các nước đều gặp phải. Gần đây, rất nhiều vụ lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có số điện thoại và thông qua các trang web.
Thời gian qua, việc đầu tiên Bộ TT&TT làm là hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi, quy định, quy trình xử lý hành chính, mức phạt và trình tự, thủ tục chuyển cho cơ quan công an các vụ phải xử lý hình sự.
Bộ trưởng cho biết việc ngăn chặn thông tin xấu, độc ở VN thực sự khó khăn. “Lực lượng thì mỏng, trong khi một người VN có khoảng bốn tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, đây là con số cao” - Bộ trưởng nói và cho rằng giải pháp căn bản là thế giới thực ra sao, không gian mạng như vậy, ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó.
“Tức là tất cả chúng ta phải vào cuộc. Các bộ, ngành, địa phương phải quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Sau đó đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, thậm chí đến cả tế bào trong xã hội, tức là các gia đình, mình quản lý con cái trên đời thực thì cũng quản lý con cái trên không gian mạng. Chỉ khi cả xã hội vào cuộc thì chúng ta mới có thể giải quyết căn cơ những vấn đề trên không gian mạng. Một mình Bộ Công an, Bộ TT&TT hiện nay là hai lực lượng chính, là không xuể” - Bộ trưởng nói.
Thông tin xấu, độc đầu độc não
Tranh luận lại, ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên) cho rằng giải pháp căn cơ nhất là phải nâng cao sức đề kháng, giống như chúng ta có vaccine đề kháng. Tức là người dân, công chúng không tin, không nghe thông tin xấu, độc.
Thứ hai, chúng ta phải có thêm nhiều thứ để cho công chúng có thể đọc được, nhiều thông tin hay, thông tin phản biện, thông tin tích cực nhưng phải mang tính thuyết phục cao...
Chúng ta phải khuyến khích các tờ báo của chúng ta đi thẳng vào vấn đề nóng, không né tránh, không phải chỉ khen một chiều mới là hay bởi vì nếu thuốc bổ uống nhiều cũng có thể gây ngộ độc.
|
ĐB Đỗ Chí Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên. |
Cũng theo ĐB Phú Yên, thực tế chỉ sau 5 phút là thông tin độc hại đã lan tỏa khắp nơi rồi. “Vậy nên giải pháp phải là không uống thuốc độc ngay từ đầu, chứ độc hại đã ngấm vào rồi mới uống thuốc giải độc thì chúng ta mãi mãi chạy theo, rất vất vả. Và đôi khi sẽ là PR cho những người dùng mạng xã hội đó, đặc biệt là những tài khoản ở nước ngoài, chúng ta không thể dùng biện pháp ngoài đời có cái gì thì trên mạng sử dụng cái đó được”.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói ông rất nhất trí với ĐB về câu chuyện đề kháng. “Không chỉ riêng tin, mạng xấu, độc đâu, tất cả mọi thứ đều cần sức đề kháng. Không gian mạng, tin xấu, độc cũng giống như không khí, tin xấu mà nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng, các tin xấu nó đầu độc chúng ta. Không khí bẩn thì đầu độc phổi, thông tin xấu thì đầu độc não”.