Chiều 5-6, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, thuộc trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.
Tại đây, ĐBQH Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) cho hay hoạt động liên kết trong phát triển du lịch giữa các địa phương là yêu cầu khách quan và rất quan trọng, giúp mở rộng thế mạnh của địa phương, hình thành sản phẩm du lịch đa dạng, nâng cao tính hấp dẫn, huy động nguồn lực…
“Tuy nhiên, hiện sự liên kết giữa các địa phương trong hoạt động du lịch chưa thực sự hiệu quả, chưa tạo lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia lân cận. Với vai trò tư lệnh của ngành thì Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào để thúc đẩy hoạt động liên kết du lịch giữa các địa phương, từ đó phát triển ngành du lịch nước ta trong thời gian tới?” – ĐB Nghĩa chất vấn.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng khẳng định “không thể không liên kết” trong phát triển du lịch. Vì người ta đã nói rồi “muốn đi nhanh đi một mình còn đi xa phải đi cùng nhau”.
Theo ông, du lịch cũng không thoát ra khỏi chuyện đó. Sản phẩm tiêu biểu của địa này phải được được kết nối với địa phương khác, để du khách có nhiều trải nghiệm hơn.
Về giải pháp, Bộ trưởng VHTT&DL cho hay, Chính phủ đã có ban chỉ đạo Vùng, cơ chế điều phối Vùng với sự phối hợp kỹ, giao ban từ 3-6 tháng/lần, đồng thời Thủ tướng cũng phân công từng thành viên Chính phủ đi các nơi để lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc. Nội dung nào trong thẩm quyền thì trả lời, vượt thẩm quyền thì báo cáo.
Bộ trưởng VHTT&DL cũng cho hay Nghị quyết 82 cũng nói rõ mỗi địa phương phải xây dựng 1 sản phẩm du lịch đặc sắc, độc đáo. Chính cái này phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, từ đó dần tiếp cận với yếu tố cạnh tranh, đúng quy luật của kinh tế.
Tuy nhiên theo ông Hùng, hiện nay vấn đề quản lý điểm đến còn nhiều nhức nhối. Du lịch phát triển nhưng điểm đến không phải chỗ nào cũng an toàn, thân thiện.
“Nghị quyết 82 chỉ rõ điểm đến phải thân thiện, văn hoá, văn minh. Thế nhưng ở chỗ này, chỗ khác vẫn biểu hiện chặt chém du khách, thiếu văn hoá… làm ảnh hưởng đến ngành du lịch của cả nước” – Bộ trưởng VHTT&DL nói.
Ông Hùng hoan nghênh nhiều địa phương thời gian qua đã xử lý nghiêm hiện tượng này. Ông cũng cho biết tới đây cần phải tăng cường thanh kiểm tra chuyên ngành, thanh tra về điểm đến để lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực du lịch.
“Chúng tôi có tiến hành một khảo sát nhỏ với du khách quốc tế, họ cũng trả lời đến với Việt Nam không phải để nghỉ ở khách sạn 5 sao, vì nước họ cũng có. Họ đến là vì sự khác lạ của nền văn hoá, trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên, họ còn mê đắm về nụ cười tỏa nắng của người thiếu nữ vùng cao” – Bộ trưởng VHTT&DL nói.
Ông nhận định chia sẻ trên của khách du lịch quốc tế là rất thật và sự thật đúng là như vậy. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà Quảng Ninh chọn nụ cười Hạ Long để làm du lịch. Theo ông đây là cách làm sáng tạo, hiệu quả cần nhân rộng.
Giải đua xe F1 đổ bể, phải hỏi các đồng chí ở Hà Nội
Tại phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đồng Nai) đề cập đến chủ trương thu hút du lịch qua sự kiện thể thao. Vì vậy, chúng ta đã xây dựng đường đua xe F1 rất hoành tráng và hiện đại.
“Nhưng đến nay, khu đường đua xe F1 này đang bị bỏ không. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cho biết giải pháp khai thác đường đua này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Công Long nêu vấn đề.
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đường đua F1 do UBND TP Hà Nội là chủ đầu tư và triển khai. Sau đó, do nhiều lý do khách quan và chủ quan khác nhau nên không triển khai nữa.
“Việc này, chúng tôi với tư cách là cơ quan phối hợp, Bộ VHTT&DL tại thời điểm đó cũng đã phối hợp để bàn giao mặt bằng, đất đai để làm đường đua xe F1. Chúng tôi cũng đã thực hiện đúng quy định công tác phối hợp. Để biết chính thức đường đua đó có trở lại hoạt động hay không, chắc là các đồng chí Hà Nội trả lời giúp”, ông Hùng nói.